Hồ sơ tài liệu

Tạp chí Diplomat: Ngư dân Trung Quốc – "cướp biển toàn cầu" mới?

22/06/2016, 15:37

Các tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động bất hợp pháp trên toàn thế giới, theo The Diplomat ngày 21/6.

thediplomat_2016-06-21_13-52-52-386x250

Một tàu cá của Trung Quốc. (Ảnh: The Diplomat)

Hôm 18/6 vừa qua, hải quân Indonesia đã nổ súng vào một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng lãnh hải thuộc quần đảo Natuna, ngoài khơi Indonesia. Phát ngôn viên Hải quân Indonesia, Đô đốc Edi Sucipto cho biết, 7 thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc đã bị nước này bắt giữ. Đây là “va chạm” lần thứ 3 giữa các lực lượng Indonesia với tàu cá Trung Quốc trong vùng quần đảo Natuna kể từ đầu năm tới nay.

Một tuyên bố phát đi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận thông tin, hải quân Indonesia đã bắn cảnh cáo một tàu Trung Quốc, làm bị thương một ngư dân và hư hại thuyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhấn mạnh, tàu cá Trung Quốc đang hoạt động bình thường trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” (chỉ vùng quần đảo Natuna do Indonesia kiểm soát – PV) và cáo buộc Jarkatar “lạm dụng vũ lực”.

Đáp lại những phản ứng của Bắc Kinh, Indonesia tuyên bố sẽ tiếp tục có các hành động chống lại các tàu nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng biển nước này: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại có các hành động mạnh mẽ với tàu nước ngoài, với bất cứ cờ hay quốc tịch của nước nào có hành vi xâm phạm lãnh thổ Indonesia”, ông Sucipto nói.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài (EEZ), tàu đánh cá Trung Quốc trong những năm gần đây đã có các hành động xâm nhập rất táo bạo vào các EEZ của nước khác, theo The Diplomat. Một phần là do chính phủ Trung Quốc không ngừng khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của mình ở Biển Đông.

Chỉ trong tháng 5 vừa qua, Nam Phi đã bắt giữ tới 3 tàu Trung Quốc với khoảng 100 thuyền viên bị nghi là câu mực trái phép trong vùng biển quốc gia này. 3 tàu bị bắt gồm: Fu Yuan Yu 7880, Fu Yang Yu 7881 và Run Da 617 với “tang chứng” là gần 600 tấn mực đã bị các lực lượng Nam Phi lai dắt vào bờ, theo Reuters.

“Chúng tôi không thể chấp nhận việc bòn rút trái phép tài nguyên biển của chúng tôi”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy sản Nam Phi Senzeni Zokwana cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang cho rà soát các tàu thuyền hoạt động trong vùng biển của chúng tôi”.

Ngoài ra, 3 tàu thuộc đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc, đăng ký ở Phúc Châu cũng bị bắt quả tang hoạt động trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hồi tháng 1 năm nay, tổ chức phi chính phủ về hàng hải Sea Shepherd tố cáo bắt gặp các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở phía tây Australia, chưa kể tàu cá Trung Quốc còn sử dụng các chất có trong danh sách cấm của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1992, tiêu diệt sinh vật biển bừa bãi. Theo Sea Shepherd, hồi tháng 3 năm nay, tàu Fu Yuan Yu 076 hoạt động trái phép ở Biển Đông, ngay phía bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chưa hết, cũng trong tháng 3 năm nay, lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina đã đánh chìm 1 tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Argentina. Đầu tháng 6 này, cảnh sát biển Hàn Quốc và Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) đã tham gia một chiến dịch phối hợp đặc biệt, nhằm ngăn chặn các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ở bờ biển ngoài khơi phía Tây Hàn Quốc. Căng thẳng giữa hai nước dâng cao kể từ khi một sĩ quan thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bị các tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc tấn công và thiệt mạng năm 2011.

Cho đến nay, Trung Quốc được xem là “nhà sản xuất” cá lớn nhất thế giới. Thuật ngữ “nhà sản xuất” phản ánh số lượng cá biển mà Trung Quốc đánh bắt hàng năm, The Diplomat viết.

Báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc năm 2014, Trung Quốc đánh bắt 13,9 triệu tấn cá biển, trong khi Indonesia – đứng thứ hai chỉ ở mức 5,4 triệu tấn. Con số này còn chưa kể tới lượng cá đánh bắt bất hợp pháp của Trung Quốc. Theo thống kê, lượng cá đánh bắt bất hợp pháp khiến công nghiệp thủy hải sản toàn cầu thiệt hại khoảng 23 tỷ USD mỗi năm.

Trong một cuốn sách của tác giả người Trung Quốc Xue Guifang xuất bản năm 2005 về Luật và Chính sách Thủy hải sản Quốc tế, ông này cho rằng một trong ba yếu tố chính dẫn đến việc không tuân thủ luật pháp quốc tế về đánh bắt cá chính là… ngư dân Trung Quốc, bởi các ngư dân này không hề có hiểu biết về các vùng biển được phép đánh bắt cá, chưa kể, công nghệ yếu kém trên các tàu cá Trung Quốc cũng là một nguyên nhân, khiến họ không xác định được tọa độ chính xác.

Một yếu tố quan trọng hơn, chính là động cơ kinh tế trái phép khiến ngư dân Trung Quốc xâm phạm các vùng biển nước ngoài. Cuối cùng, tác giả Xue cho rằng, chính việc các quan chức ngư nghiệp Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, năng lực và quyết tâm giám sát ngư dân hoạt động ở các EEZ nước ngoài, là yếu tố cốt yếu khiến ngư dân của họ trở thành những “kẻ cướp biển toàn cầu”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.