Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỉ phú thế giới năm 2022. Năm nay Việt Nam năm nay có 7 đại diện.
Đây là năm đầu tiên Việt Nam có nhiều tỉ phú USD nhất với sự xuất hiện lần đầu của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Nova Group.
Tài sản của ông Bùi Thành Nhơn được Forbes đánh giá đạt 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 trên thế giới.
Khởi nghiệp từ kỹ sư chăn nuôi thú y
Ông Bùi Thành Nhơn sinh năm 1958, quê ở tỉnh Đồng Tháp, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Chăn nuôi thú y và cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh cao cấp tại HSB Tuck School of Business tại Dartmouth.
Từ 1981-1983, ông Nhơn công tác tại phòng Nông nghiệp UBND Huyện Nhà Bè, TP.HCM. Từ 1983 đến 1992, ông Nhơn công tác Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TP.HCM.
Tỷ phú thế giới Bùi Thành Nhơn tại một sự kiện đầu năm 2022
Tháng 9/1992, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn kinh doanh thuốc thú y, dược liệu, hoá chất, vốn điều lệ 400 triệu.
Sau 15 năm, năm 2007, Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn được tái cấu trúc thành hai đơn vị.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) với số vốn điều lệ là 9.143 tỷ đồng họat động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), phát triển các dự án bất động sản nổi tiếng ở khu vực TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam, chính thức bước vào ngành BĐS với thương hiệu Novaland Group.
Vợ của tỷ phú Bùi Thành Nhơn là bà Cao Thị Ngọc Sương. Tính đến ngày 24/12/2021, bà đang nắm giữ khoảng 105 triệu cổ phiếu NVL, tương đương tỷ lệ 5,46%, trị giá khoảng 9.200 tỷ đồng.
Được biết, ông bà có hai người con, trong đó một con trai tên là Bùi Cao Nhật Quân, sinh năm 1982, đã từng là Phó chủ tịch HĐQT và PTGĐ của Công ty CP đầu tư địa ốc Novaland.
Lần đầu tiên có công ty về lĩnh vực nông nghiệp IPO
Từ năm 2007, Công ty cổ phần Anova Corp do ông Nhơn thành lập đã hợp tác liên doanh cùng Philippines để đưa công ty liên doanh sản xuất thuốc thú y Biophamachemie vào hoạt động, mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Năm 2019, Anova Corp chính thức đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực thực phẩm. Tập đoàn hiện có 9 công ty thành viên, gồm: Công ty cổ phần Thành Nhơn, Anova BioTech, Anova Pharma, Anova JV, Anova Tech, Anova Feed, Anova Farm, Anova Agri Bình Dương và Tổng công ty mía đường II với hơn 1.200 nhân viên.
Ngày 25/06/2021, đại hội Cổ đông Công ty cổ phần Anova Corp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn gia súc đã chính thức thông qua việc đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Cho đến nay, Nova Consumer chiếm lĩnh hơn 30% thị phần kinh doanh mảng thuốc thú y. Doanh nghiệp có 2 công ty trong lĩnh vực vaccine là Anova Biotech và Anova Tech và 4 công ty chuyên về sức khỏe vật nuôi là Thành Nhơn, Anova Pharma, Anova JV và Bio-Pharmachemie.
Ở mảng thức ăn chăn nuôi, Nova Consumer có 3 nhà máy Anova Feed đặt tại Long An, Đồng Nai, Hưng Yên với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm.
Ở mảng nông trại, Nova Consumer có 7 trang trại heo, bò, gà ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam.
Đầu tháng 4/2022, Nova Consumer công bố mức giá cổ phần IPO thông qua phương thức dựng sổ là 44.000 đồng mỗi cổ phần, cao hơn so với giá khởi điểm.
Nova Consumer đặt mục tiêu vốn hoá trên 1 tỷ USD sau 5 năm gia nhập thị trường hàng tiêu dùng, tăng trưởng bình quân trên 50% mỗi năm.
Tốc độ phát triển nhanh
Năm 2021, Nova Group tái cấu trúc lần thứ hai với 8 Tổng công ty thành viên gồm: Novaland, Nova Service, Nova Consumer, Nova Tech, Nova Capital Partners, Nova Logistic, Nova Industry, Nova Finance.
Những mảnh ghép mới của hệ sinh thái, NovaGroup cũng đã định hình với các kế hoạch đầy tham vọng.
Ông Nhơn cũng cho biết, Nova Group hướng đến tầm nhìn là "Tập đoàn đầu tư và phát triển kinh tế hàng đầu Việt Nam", hoạt động trong các lĩnh vực: Dịch vụ - Công nghệ - Công nghiệp.
NovaGroup hiện nay có 3 tổng công ty chủ lực bao gồm Novaland (đã lên sàn), Nova Consumer (đang chuẩn bị IPO), Nova Service và còn nhiều đơn vị khác.
Novaland cũng liên tục duy trì vị trí trong nhóm VN30, nằm trong rổ chỉ số VNSI.
Nova cũng là đoanh nghiệp Việt đã hai lần niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore, cũng như có nhiều đối tác cấp vốn là ngân hàng, định chế tài chính tên tuổi như Credit Suisse AG, Standard Chartered, DEG (Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng tái thiết Đức KFW)…
Công ty đặt mục tiêu vốn hoá trên 1 tỷ USD sau 5 năm gia nhập thị trường hàng tiêu dùng, tăng trưởng bình quân trên 50% mỗi năm.
Bên cạnh việc mở rộng hệ thống phân phối, công ty cho biết sẽ đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và M&A để có danh mục sản phẩm đa dạng, tập trung vào ba nhóm ngành chính: thực phẩm, đồ uống và dinh dưỡng. Trong đó, ngành đồ uống sẽ là trọng tâm.
Để tập trung lãnh đạo Nova Group giai đoạn hậu tái cấu trúc, ngày 20/1, ông Bùi Thành Nhơn quyết định trao quyền và vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Novaland cho ông Bùi Xuân Huy.
Ông Nhơn cho biết, sẽ tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ tập đoàn Nova Group để trao quyền cho đội ngũ mới.
Năm 2020 - 2021, dịch Covid -19 bùng phát nặng nề trên toàn cầu. Thế nhưng, hàng loạt các phân kỳ, phân khu của NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet, Aqua City đã được giới thiệu ra thị trường với nhiều tiện ích được đưa vào vận hành.
Cả ba dự án này đều có quy mô trên dưới 1.000ha/dự án và đang được tăng tốc đẩy nhanh tiến độ để đi vào vận hành vào 2023, mục tiêu sẽ có 50 khu đô thị ở không chỉ TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và trong dài hạn sẽ vươn ra khu vực miền Bắc.
Hiện tại Novaland có quỹ đất hơn 5.400 ha để phát triển 3 dòng sản phẩm chủ lực gồm BĐS đô thị, BĐS đô thị du lịch và BĐS công nghiệp. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025 doanh nghiệp sẽ cho ra 100.000 sản phẩm.
Chỉ tính đến cuối năm 2021, Novaland ghi nhận tổng tài sản hợp nhất hơn 200.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 175.000 tỷ đồng (tương đương hơn 7,6 tỷ USD), tổng doanh thu thuần hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 15.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, Nova Group cho biết tiếp tục phát triển dự án tại 30 tỉnh thành để cung cấp ra thị trường 150.000 sản phẩm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận