Thỏa thuận phân chia sản phẩm (PSA) giữa Chervon và Ukraine được ký kết từ tháng 11/2013 và được xem là một động thái giúp Ukrainre bớt phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ phía Nga.
Theo đó, Chevron sẽ được thăm dò, khai thác khí đá phiến ở mỏ Oleske, một phần của dải đá phiến trải dài từ biển Baltic đến biển Đen, trong một khu vực rộng 5.260km2. Chevron sẽ chi 350 triệu USD trong giai đoạn thăm dò và tổng vốn đầu tư của dự án có thể lên tới 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Chevron cuối cùng đã quyết định bỏ dự án đó.
Chia sẻ với Sputnik, một số chuyên gia cho biết, có 3 lý do khiến Chevron đi tới quyết định đó.
Thứ nhất, "giá dầu thế giới giảm khá sâu, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới giá khí đốt ở cả thị trường Châu Âu và các thị trường khác" - ông Simon Pirani, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nói. Theo ông Andrei Korneyev, Giám đốc Trung Tâm An ninh Năng lượng thuộc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, dự án trên sẽ không còn lợi nhuận "vì giá dầu khí thế giới giảm".
Lý do thứ hai khiến Chevron dừng dự án là rủi ro về địa lý và thuế. Cũng theo ông Andrei Korneyev, "tháng 8 vừa rồi, Bộ Tài chính Ukraine đã đưa ra sáng kiến, tăng gấp đôi phí sử dụng đất của Ukraine để khai thác dầu và khí đốt. Việc tăng phí sẽ bao trùm tất cả các dự án, trong đó có dự án của PSA".
Ngoài ra, người đứng đầu Trung tâm An toàn Năng lượng cũng cho rằng, hệ thống thuế hiện nay tại Ukraine "quá cao". Ông nhấn mạnh, Ukraine không có nhiều cơ hội để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án tương tự như PSA vì rủi ro chính trị, quân sự, môi trường và địa lý.
Ông Pirani nhận định, "Chevron đưa ra quyết định đó đơn giản vì dự án này quá đắt, mạo hiểm và khó khăn. Môi trường kinh doanh ở Ukraine là quá khó khăn".
Một lý do khác mà các chuyên gia Nga đưa ra, đó là sự không nhất quán trong chính sách năng lượng của Ukraine. Việc Chervon rút khỏi dự án cung cấp khí đốt cho khu vực tây Ukraine chính là một minh chứng cho điều đó. Ban đầu, dự án thăm dò khí đá phiến tại Oleska dự tính được ký vào cuối năm 2013 nhưng cuối cùng bị trì hoãn tới gần 1 năm. Sự trì hoãn đó đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất lo ngại.
Trang Trần (Theo Sputnik)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận