Kinh tế

Tập trung tối đa "cứu" ngành nông nghiệp sau bão số 3

09/09/2024, 21:21

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hiện hoàn lưu bão số 3 còn đang rất phức tạp, nguy cơ thiệt hại vẫn còn nên cần phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3.

Tập trung tiêu úng để cứu hoa màu

Tại cuộc họp thông tin về một số giải pháp trước mắt khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 9/9,  ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, cho biết ngành thủy lợi đang tập trung chỉ đạo 2 vấn đề lớn là đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và tiêu úng. Các hồ chứa hư hỏng đã chỉ đạo địa phương phải liên tục có người trông coi. 

Tập trung tối đa "cứu" ngành nông nghiệp sau bão số 3- Ảnh 1.

Người Hà Nội đổ ra đồng cứu hơn 170ha lúa bị đổ rạp, ngập sâu sau bão số 3. (Ảnh: Anh Hoàng)

Về tiêu úng, ông Khanh cho biết, cục đang chỉ đạo vận động tối đa phương tiện, máy móc, điển hình hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang vận hành được tối đa các trạm, máy bơm.

Các địa phương khu vực Bắc Bộ hiện đang vận hành 803 trạm bơm với 2.375 máy bơm. Một số tỉnh, thành phố, khu vực đang tiếp tục khắc phục sự cố mất điện gồm: Hải Dương, Thái Bình. Lãnh đạo các tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố để vận hành tiêu nước ngay khi điều kiện cho phép.

Qua thống kê và kiểm tra tại một số địa phương, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, bão số 3 khiến lúa ở Đồng bằng sông Hồng bị thiệt hại không đến mức quá nghiêm trọng. Các địa phương đang khôi phục lúa đổ; trong đó diện tích lúa không khôi phục được không lớn. Diện tích lúa nếu không thể khôi phục được sẽ có hướng dẫn để trồng cây vụ Đông sớm (cây ưa ấm).

Về thiệt hại cây ăn quả, ông Nguyễn Như Cường cho biết, có 2 loại cây ăn quả phục vụ thị trường Tết là cây có múi và chuối bị thiệt hại rất lớn.

Về ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng thiệt hại không lớn nhưng nguy cơ dịch bệnh thông thường cuối năm rất phức tạp, thêm bão lũ đợt này, Cục Thú y đã chỉ đạo tăng hóa chất, sát trùng và vaccine phòng dịch bệnh.

“Các địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm; giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm”, ông Long nhấn mạnh.

Hoàn lưu bão đang rất phức tạp

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hoàn lưu bão đang rất phức tạp nên nguy cơ thiệt hại vẫn còn. Để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết, duy trì xuất khẩu, tăng trưởng, đảm bảo CPI và đời sống nhân dân, các giải pháp khôi phục sản xuất cần rất đồng bộ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện còn 85.000 ha lúa bị ngập úng, Cục Thủy lợi chỉ đạo các đơn vị huy động toàn bộ nhân, vật lực để bơm tiêu úng. Với việc huy động các trạm bơm hoạt động hết công suất thì trong 1 - 2 ngày tới, lúa sẽ được khôi phục, thiệt hại sẽ không lớn. Những diện tích lúa không phục hồi được sẽ chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông, vụ Đông Xuân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu, Cục Thủy lợi cần có các kịch bản trước tình hình nước trên các sông lên cao, gây khó khăn cho tiêu úng. Chỉ đạo vận hành trạm bơm và hệ thống công trình thủy lợi để tiêu úng và cứu diện tích hoa màu bị ngập, đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi đảm bảo an toàn công trình và hạ du nhất là các công trình hạ du, nhất là các khu vực Bắc Bộ đã đầy nước.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục trồng trọt tổ chức chỉ đạo hướng dẫn người dân thu hoạch mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch nhanh gọn diện tích rau màu, chuẩn bị nguồn giống để người dân khôi phục sản xuất ngay sau bão.

Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai chỉ đạo đảm bảo an toàn các trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là các tuyến sông đang trên mức báo động 3 (Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội,...), tham mưu điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo phía Tây Bắc Bộ ngày và đêm 9/9 có mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm; Ngày và đêm 10/9 có mưa 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: Ngày và đêm 9/9, có mưa từ 50-90mm, cục bộ trên 150mm; Ngày 10/9, mưa 40-80mm, có nơi trên 120mm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.