Bóc mẽ "Xe hợp đồng", xử lý nhiều xe chở khách trá hình
Ngày 6/6, Trạm CSGT Phú Lộc cho biết, vừa tiếp tục TTKS, phát hiện, lập biên bản xe ô tô loại 7 chỗ vận chuyển khách trá hình trên tuyến Huế - Đà Nẵng.
Trước đó, khoảng 15h29 ngày 5/6, tại Km 841+500 QL1, thuộc địa phận xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy), tổ công tác thuộc Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) kiểm tra, phát hiện xe ô tô loại 7 chỗ BKS 75A - 154.62 vận chuyển khách trái quy định. Xe này thuộc HTX Dịch vụ vận tải Cố Đô, có phù hiệu “Xe hợp đồng” được Phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện (Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế) cấp có giá trị đến ngày 19/5/2021.
Làm việc với tổ công tác, tài xế Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (SN 1988, trú tại tổ 30, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) xuất trình "hợp đồng" vận chuyển khách. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ TTKS làm rõ hành vi gom khách lẻ, hợp đồng không đúng quy định.
Trước bằng chứng không thể "cãi lý", tài xế Tuấn ký biên bản biên bản vi phạm, bị tạm giữ GPLX, chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Đây là 1 trong gần 10 trường hợp xe vi phạm chở khách trên tuyến Huế- Đà Nẵng bị trạm CSGT Phú Lộc xử lý trong cao điểm tổng kiểm soát phương tiện hơn 20 ngày qua. Theo lãnh đạo Trạm này, đơn vị tăng cường để đấu tranh, xử lý các hành vi xe trá hình: dấu phù hiệu, núp bóng xe cá nhân, lập hợp đồng khống, nhận chở khách không thu tiền, chở người quen để đối phó cơ quan chức năng...
Huy động lực lượng truy quét xe vi phạm
Trước kiến nghị tập thể 80 chủ xe, xã viên, thuộc các công ty, HTX vận tải trên tuyến buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại về tình trạng bùng phát xe trá hình cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm pháp luật, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 2/6 Sở đã có văn bản gửi Công an tỉnh đề nghị tăng cường xử lý xe dù hoạt động trên tuyến Huế - Đà Nẵng.
Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, sau thời gian tạm lắng, đến nay hoạt động xe trá hình đang có chiều hướng bùng phát trở lại, đặc biệt là trên tuyến Huế - Đà Nẵng.
Các phương tiện hoạt động chở khách phi pháp này gây tâm lý lo lắng, bức xúc, làm giảm thu nhập chính đáng của các chủ phương tiện đang hoạt động tuân thủ pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và làm thất thu ngân sách của nhà nước. Để từng bước hạn chế tình trạng này, Sở GTVT đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy quét, xử lý kịp thời các đối tượng kinh doanh phi pháp này.
Một năm cấp gần 1.200 phù hiệu xe hợp đồng…
Theo thống kê từ Phòng QLVT&PT (Sở GTVT Thừa Thiên-Huế) cho thấy, riêng năm 2019, đã cấp 1.135 phù hiệu xe hợp đồng và 483 biển hiệu du lịch. 5 tháng đầu năm 2020, đã cấp 304 phù hiệu xe hợp đồng và 66 biển hiệu du lịch.
Đặc biệt, các đơn vị đăng ký phù hiệu taxi cũng gia tăng nhanh, trong bối cảnh taxi truyền thống đang "chết yểu" trước xe công nghệ. Mới đây, Huế cấp phép thành lập cho 3 đơn vị kinh doanh taxi: Chi nhánh HTX Hòa Bình Xanh, Công ty CP Hợp tác đầu tư Tín Việt và Công ty TNHH Du lịch Bảo Khang... Hiện, cả tỉnh có 13 đơn vị kinh doanh vận tải taxi, với 994 phương tiện đã được cấp phù hiệu.
Trước đó, ngày 28/5, lực lượng chức năng Đà Nẵng làm rõ xe 75A-124.18, được cấp phù hiệu xe taxi (logo “Miền Trung Taxi”), nhưng tổng đài này vô tư xác nhận đặt chỗ khách lẻ, không bật máy tính tiền. Trong khoảng 10 ngày gần đó, xe taxi BKS 75A-124.18 chạy quay đầu liên tục trên tuyến Huế-Đà Nẵng với tần suất trung bình 4 chuyến/ngày...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận