Trông cả vào tour nội địa
Đầu tháng 4, chị Đỗ Thị Huyền Trang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) gọi điện đặt khách sạn để nghỉ mát cuối tuần ở Đà Lạt. Tuy nhiên, gọi đến đâu, chị cũng chỉ nhận lại được thông báo “cháy phòng”.
“Họ nói dịp Lễ giỗ Tổ Hùng Vương nên khách đặt kín cả rồi. Hỏi phòng dịp 30/4, nhiều nơi cũng báo không nhận khách theo đoàn nữa”, chị Trang cho hay.
Khu nghỉ dưỡng thiên nhiên Hồ Tràm, một trong những điểm đến được Công ty du lịch TST xây dựng cho khách du lịch
Khảo sát các trang web du lịch lớn như Travel, Dulichviet, Vietravel, Saigon-Tourist... cũng cho thấy, nhiều tour theo nhóm đi Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc... chỉ còn khoảng 5-6 chỗ trống. Trong khi đó, nhiều khách sạn ở các tỉnh thành đã báo có khách đặt gần kín phòng dịp lễ 30/4.
Một lãnh đạo công ty Lữ hành Saigontourist cho biết đơn vị này kỳ vọng phục vụ hơn 12 nghìn lượt khách dịp 30/4. Mức trông đợi này dựa trên gói 60 sản phẩm du lịch cho các đối tượng cả cá nhân lẫn tập thể.
Đại diện Saigontourist chia sẻ du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, khách thường chuộng tour ngắn ngày, giá từ 2-3 triệu đồng/người trở lên.
Giám đốc điều hành Công ty du lịch Đất Việt, ông Đỗ Văn Thức cũng cho biết, khoảng 2 tuần lại đây, lượng khách du lịch nội địa tăng cao, trong khi tour quốc tế chưa phục hồi. Các đơn vị vừa làm vừa cạnh tranh nhau nên giá tour trong nước không thay đổi nhiều.
KDL Quỷ Núi - Suối Ma, điểm du lịch mới cho du khách khi "check-in" thành phố Đà Lạt
Đông khách, ít khách, đều lo thiếu vốn.
Dù tất bật với thị trường trong nước đang phục hồi hay mỏi mòn chờ khách quốc tế trở lại như trước, các doanh nghiệp hầu hết đều canh cánh nỗi lo thiếu vốn, thiếu nhân lực.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing công ty CP du lịch TST cho hay nhân sự mới đảm bảo 60% so với trước dịch. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyển dụng thêm để áp ứng nhu cầu thị trường.
Hai năm đóng cửa, không có việc khiến nhiều nhân lực ngành du lịch bỏ về quê, khi thị trường khởi sắc, họ đi làm cho công ty khác nên không ít doanh nghiệp du lịch, khách sạn đang đau đầu bổ sung nhân viên. Bên cạnh đó, nỗi lo thiếu vốn cũng thường trực.
Du khách trải nghiệm tại bãi Dài - thành phố biển Nha Trang
Một lãnh đạo hãng lữ hành cho biết khó khăn lắm mới vượt qua được 2 năm Covid-19 hoành hành, giờ khởi động tour mới, thuê và đào tạo lại nhân lực cũng cần nguồn vốn, nếu không được hỗ trợ vốn vay, không ít doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi ngay cả khi thị trường đã khởi sắc.
Ông Đỗ Văn Thức, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Đất Việt cũng thừa nhận, hiện nay ngay cả các doanh nghiệp du lịch lữ hành lớn cũng đang khó khăn về vốn chứ đừng nói đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì thế, được vay ưu đãi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi. Áp lực còn nặng hơn với các doanh nghiệp du lịch thường xuyên phục vụ khách nước ngoài.
Điển hình như Crystal Bay, thị trường khách Nga bị ảnh hưởng lớn do xung đột Nga - Ukraina, công ty đã chuyển hướng sang các thị trường khác nhưng cũng không dễ, bởi ngay cả khách châu Âu cũng bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột này.
Công ty du lịch Việt đưa đoàn khách tới thành phố biển Nha Trang
Ông Nguyễn Xuân Tâm, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Lạc Gia (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chuyên kết nối các tour du lịch thịtrường khách Trung Quốc, Hàn Quốc cho hay, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản khiến 2 thị trường sôi động trước đây trở nên ảm đạm.
Thích ứng tình hình mới, một số công ty đã thiết kế tour đi Pháp, Mỹ, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives... với giá khá thấp, chỉ từ 30 triệu đồng. Nhưng dự kiến thị trường này chỉ có thể khởi sắc sau 3-5 tháng nữa.
Không ngồi yên chờ khách đến
Các hạn chế về đi lại, hội họp được dỡ bỏ nhưng không có nghĩa thị trường có thể phục hồi ngay và ổn định lâu dài.
Trong xu hướng tiết kiệm bởi điều kiện kinh tế không dư dả, với chi phí như trước, khách sẽ lựa chọn các tour chất lượng cao hơn hoặc có dịch vụ mới lạ.
Đại diện Công ty du lịch TST cho biết đang đẩy mạnh liên kết với các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng tạo ra các tour mới, tránh sự nhàm chán cho khách.
Đây cũng là chia sẻ của ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch ĐBSCL. Nếu chỉ ngồi chờ thị trường phục hồi, và mang sản phẩm cũ ra bán, sẽ rất khó bứt phá.
Sau 2 năm du lịch đóng cửa vì dịch Covid-19, hiện nay tour du lịch Phú Quốc được các công ty lữ hành khai thác mạnh
Cần tạo được sự liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương để cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch, tạo ra sản phẩm, dịch vụ phong phú, đa dạng và phát triển bền vững. Đơn cử trường hợp của Ninh Bình, đây đang là điểm đến được khách quốc tế ưa thích.
Nếu có sự phối kết hợp giữa chính quyền và các doanh nghiệp lữ hành chắc chắn sẽ đón được tín hiệu rất tốt và tăng trưởng mạnh khách quốc tế vào cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM khẳng định thành phố đã có chiến dịch đón khách quay trở lại với chương trình “TP.HCM - chào đón bạn” kéo dài cho tới tháng 9/2022.
Chương trình vừa quảng bá trên mạng xã hội vừa nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, vận động doanh nghiệp khuyến mãi, tặng quà du khách.
Ngày 12/4, đoàn lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM có chuyển khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch " Ngắm TP.HCM từ trên cao" bằng máy bay trực thăng. Đây là sản phẩm mới cho du khách trải nghiệm trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Hiện Sở cũng đang phối hợp xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Thời gian tới sẽ có các hoạt động ẩm thực ban đêm tại trung tâm thành phố.
Tại Đà Nẵng, các chương trình phục vụ du khách như “Phố đêm biển Mỹ An”; “tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo; “Tận hưởng Đà Nẵng” cũng đang được thành phố biển được triển khai từ 1/4.
Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Lâm An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun World bật mí các sản phẩm mới của doanh nghiệp tại Bà Nà mùa hè này như Cổng thời gian, lâu dài Mặt trăng, lễ hội ẩm thực bia... và coi đây là các giải pháp quan trọng để khởi động một mùa du lịch sôi động mới của Sun tại Đà Nẵng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận