Sứ mệnh Mặt trăng của Ấn Độ thành công mỹ mãn
Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã xác nhận vào ngày 4/9/2023 rằng bộ đôi tàu đổ bộ và tàu thám hiểm Mặt trăng thuộc sứ mệnh Chandryaan-3 đã chuyển sang chế độ ngủ sau gần 2 tuần thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình trên vệ tinh tự nhiên Trái đất.
Cùng với nhau, tàu đổ bộ Vikram nặng khoảng 1.700 kg và tàu thám hiểm Pragyan nặng 26 kg được trang bị gần 10 dụng cụ khoa học. Nhờ đó, cả hai đã có những phát hiện địa lý rất đáng ngạc nhiên trên Mặt trăng, CNN thông tin.
Hình ảnh do Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA chụp, cho thấy tàu vũ trụ của Chandrayaan-3 đổ bộ Mặt trăng. Nguồn: Trung tâm bay không gian Goddard của NASA/Đại học bang Arizona, Mỹ
Đầu tiên là nhiệt độ Mặt trăng: Bề mặt Mặt trăng nóng hơn nhiều so với dự kiến của giới khoa học. "Tất cả chúng tôi đều tin rằng nhiệt độ bề mặt có thể ở khoảng 20 đến 30 độ C nhưng thực tế nó là 70 độ C. Con số này cao hơn đáng ngạc nhiên so với những gì chúng tôi nghĩ" - Nhà khoa học ISRO BHM Darukesha cho biết.
Thứ hai, tàu thám hiểm Pragyan phát hiện một số hoạt động địa chấn bên dưới bề mặt Mặt trăng bằng cách sử dụng một thiết bị được thiết kế để đo tiếng ồn và động đất dưới mặt đất (ILSA).
Tiếp theo, tàu Pragyan cũng sử dụng máy quang phổ để xác nhận sự hiện diện của Lưu huỳnh cùng nhiều nguyên tố khác gần cực Nam của Mặt trăng.
Ngoài ra, tàu đổ bộ Vikram đã hoàn thành một kỳ tích đáng kinh ngạc khác vào ngày 4/9 khi tự nâng mình lên khỏi mặt đất khoảng 40 cm và thực hiện một cú nhảy nhỏ để hạ cánh cách vị trí ban đầu khoảng 30 đến 40 cm. Cuộc trình diễn công nghệ này được ISRO đánh giá rất cao vì tính quan trọng của nó trong các sứ mệnh đổ bộ tiếp theo của Ấn Độ.
Có thể nói, tất cả các nhiệm vụ mà Ấn Độ đặt ra cho sứ mệnh Chandryaan-3 đều hoàn thành mỹ mãn.
Bộ đôi tàu đổ bộ Vikram (bên trái) và tàu thám hiểm Pragyan thuộc sứ mệnh Chandryaan-3. Nguồn: ISRO
ISRO đang hy vọng và mong chờ ngày 22/9 sẽ đến và sẽ nhận được tín hiệu tích cực từ Vikram và Pragyan sau khoảng thời gian "ngủ đông" trong đêm Trăng lạnh lẽo, khắc nghiệt -200 độ C.
Nói rõ thêm về phát hiện của tàu thám hiểm Pragyan về hoạt động địa chất dưới bề mặt Mặt trăng, Livescience cho biết, trong ngày thứ ba trên Mặt trăng (tính theo ngày trên Trái đất), tàu Pragyan có thể vừa phát hiện bằng chứng đầu tiên về "động đất Mặt trăng" kể từ những năm 1970.
Thiết bị đo hoạt động địa chấn Mặt trăng (ILSA) gắn với tàu đổ bộ Vikram đã phát hiện hoạt động địa chấn trên bề mặt Mặt trăng vào ngày 26/8.
Nếu được xác nhận, trận động đất Mặt trăng có thể mang đến cho các nhà khoa học cái nhìn hiếm có về lõi bên trong bí ẩn của Mặt trăng.
Tiết lộ của NASA
Các sứ mệnh Mặt trăng của Chương trình Apollo (của NASA) từ năm 1969 đến năm 1977 lần đầu tiên phát hiện hoạt động địa chấn trên Mặt trăng, điều này chứng tỏ Mặt trăng có cấu trúc địa chất phức tạp ẩn sâu bên trong chứ không phải là đá đồng nhất như các mặt trăng Phobos và Deimos của sao Hỏa.
Năm 2011, NASA tiết lộ rằng lõi của Mặt trăng, giống như lõi của Trái đất, có khả năng được tạo thành từ sắt lỏng bao quanh một quả cầu sắt đặc, rắn chắc.
Theo nghiên cứu của NASA, Mặt trăng có lõi bên trong rắn, giàu sắt với bán kính gần 240 km; và lõi ngoài lỏng, chủ yếu là sắt lỏng với bán kính khoảng 330 km. Điểm khác biệt với Trái đất là lớp ranh giới nóng chảy một phần xung quanh lõi của Mặt trăng ước tính có bán kính 480 km.
Bản vẽ về cấu tạo lõi Mặt trăng được xác định qua những phát hiện của nhóm nghiên cứu do NASA dẫn đầu năm 2011. Nguồn: NASA/MSFC/Renee Weber
Nghiên cứu chỉ ra rằng lõi Mặt trăng chứa một tỷ lệ nhỏ các nguyên tố nhẹ như lưu huỳnh, lặp lại nghiên cứu địa chấn mới trên Trái đất cho thấy sự hiện diện của các nguyên tố nhẹ – như lưu huỳnh và oxy – trong một lớp xung quanh lõi của hành tinh chúng ta.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu phong phú được thu thập trong các sứ mệnh lên Mặt trăng thời Apollo. Thí nghiệm địa chấn thụ động Apollo bao gồm 4 máy đo địa chấn được triển khai từ năm 1969 đến năm 1972, ghi lại hoạt động địa chấn Mặt trăng liên tục cho đến cuối năm 1977.
Mặc dù các sứ mệnh chụp ảnh vệ tinh tinh vi tới Mặt trăng đã có những đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu lịch sử và địa hình của nó, nhưng phần sâu bên trong vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất vẫn là chủ đề được suy đoán và phỏng đoán kể từ thời Apollo.
Phi hành gia Buzz Aldrin của sứ mệnh Apollo 11 tiến hành thí nghiệm địa chấn trên Mặt trăng. Nguồn: NASA
Tạp chí Nature vào tháng 5/2023 cho biết, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu trường hấp dẫn để xác nhận giả thuyết lõi sắt này, đồng thời gợi ý rằng một phần lớp phủ nóng chảy của Mặt trăng có thể tách ra khỏi phần còn lại, nổi lên trên bề mặt dưới dạng các cục sắt và tạo ra các trận động đất khi chúng di chuyển.
Các nhà khoa học tin rằng bên trong Mặt trăng nguội đi khá nhanh và đều sau khi nó hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước, nghĩa là Mặt trăng không có từ trường mạnh - điều mà nhiều nhà khoa học tin rằng "điều đó chưa bao giờ xảy ra".
Làm thế nào mà một số tảng đá 3 tỷ năm tuổi được tìm thấy trên Mặt trăng trong các sứ mệnh Apollo của NASA lại trông giống như chúng được tạo ra bên trong một trường địa từ đủ mạnh để có thể sánh ngang với Trái đất?
Câu hỏi lớn về Mặt trăng này có thể được sứ mệnh Chandrayaan-3 của Ấn Độ giải đáp. Hiện, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang nghiên cứu nguồn gốc của hiện tượng địa chấn mà tàu thám hiểm Pragyan phát hiện hôm 26/8/2023, và sẽ công bố kết quả sớm.
Nguồn: NASA, CNN, Nature, Livescience
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận