Nhiều hành vi bị cấm
Sáng nay (27/11), với 100% (449/449) đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân.
Luật Phòng không nhân dân gồm 7 Chương, 47 Điều, quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân.
Các hành vi bị nghiêm cấm, đó là trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân; huy động, sử dụng lực lượng, vũ khí, phương tiện, công trình phòng không nhân dân trái quy định pháp luật.
Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu.
Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện công tác phòng không nhân dân. Chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, sở hữu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác; động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.
Luật cũng quy định, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, điều kiện đăng ký phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác nhập khẩu phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về nhiệm vụ phòng không nhân dân, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phạm vi quản lý trên 5.000m để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, quốc phòng tại địa phương;
Ý kiến khác đề nghị quy định phòng không nhân dân ở độ cao dưới 3.000m vì vũ khí trang bị cho lực lượng phòng không nhân dân không thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao trên 5.000m.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định lực lượng phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
Hiện nay, lực lượng phòng không nhân dân đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m.
Vì vậy lực lượng phòng không nhân dân đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m.
Về cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân, có ý kiến đề nghị sửa lại là: "Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng không nhân dân là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân Trung ương, Cơ quan quân sự các cấp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân cùng cấp ở địa phương".
Để bảo đảm tách bạch giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định: "Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân được tổ chức ở trung ương, quân khu và ở địa phương. Ban chỉ đạo Phòng không nhân dân các cấp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Cơ quan chỉ đạo Phòng không nhân dân cấp tương ứng".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận