Tàu chụp mực Quốc Trong V018, nay đang hoạt động tại vùng biển Bạch Long Vĩ, Trường Sa |
10 tàu cá vỏ thép đầu tiên
Chương trình hỗ trợ đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân của Bộ GTVT trong gần 2 năm qua đã được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy triển khai đúng hướng. Đến nay đã có 8/10 tàu cá mẫu đã được bàn giao cho ngư dân ra khơi, 2 tàu mẫu nữa sẽ bàn giao vào tháng 6/2015 này.
Anh Mai Thành Văn, ngư dân ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là chủ tàu vỏ thép mẫu đầu tiên mang tên Hoàng Anh 1, được SBIC bàn giao tháng 4/2014, cho biết, chiếc tàu thép, ngoài nhiệm vụ đánh cá, còn được coi như một cơ sở làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho 6 chiếc tàu vỏ gỗ của đoàn. Giữa biển khơi, những chiếc tàu gỗ mong manh có sự yểm trợ của chiếc tàu vỏ thép với đầy đủ tiện nghi và kiên cố đã giúp những ngư dân yên tâm bám biển, đặc biệt khi gặp phải những sự cố không mong muốn.
Cũng nhận tàu thép mẫu đợt đầu tiên, chủ tàu Hải Âu 01, anh Phạm Văn Tuyên ở Quảng Bình cho biết, kể từ khi đổi từ tàu vỏ gỗ 200 CV sang tàu vỏ thép 600 CV, trong 6 tháng đầu tiên, tàu Hải Âu 1 đi được 9 chuyến, trong đó 2 chuyến hòa vốn do biển động ít cá và 7 chuyến có lãi.
"Tàu mới của gia đình đánh cá ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, vùng biển Bạch Long Vĩ. Hải Âu 01 là loại tàu lưới rê được Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) thiết kế chuẩn với khả năng ướp lạnh tốt và khoang chứa lớn. Tuy có tàu tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn so với tàu vỏ gỗ nhưng lại có công suất lớn, thiết kế hiện đại với nhiều tính năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với những chuyến đi biển dài ngày", anh Tuyên chia sẻ.
Anh Phan Bé, ngư dân ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, là ngư dân được nhận chiếc tàu vỏ thép thứ năm, con tàu lưới vây chuyên đánh cá ngừ trong chương trình thí điểm hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép của SBIC cho biết, anh hài lòng với giá cả và các tính năng hiện đại của tàu thép của SBIC, trong khi đóng được tàu vỏ thép không đắt hơn tàu vỏ gỗ là bao. Anh cho biết về những thiết bị hiện đại trên tàu thép đang giúp ích rất nhiều cho anh gần 1 năm qua.
“Chiếc máy soi cá có giá trị gần một tỷ đồng, có thể dò các luồng cá dưới đáy biển trong phạm vi tới 2.000m. Với chiếc máy này việc phát hiện các luồng cá sẽ được dễ dàng. Để giúp chiếc tàu vỏ thép và cả 5 chiếc tàu gỗ đi theo đánh bắt cá. La bàn điện tử gắn trên tường phòng ca bin, có thể biết mình đang ở đâu khi vươn khơi ngoài phạm vi 200 hải lý, giữa Hoàng Sa, Trường Sa. Những khoang đựng cá chiếm phần lớn diện tích khoang phía trước của tàu được trang bị đầy đủ các thiết bị để có thể ướp cá được lâu hơn.
Theo ý kiến ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá Bộ NN&PTNT: "Qua theo dõi của cơ quan đăng kiểm cho thấy, tàu cá vỏ thép được SBIC đóng mới ngày càng hoàn thiện. Ngoài tính năng an toàn, hiệu quả, hiện đại, tàu vỏ thép rất phù hợp với tập quán đánh bắt cá của ngư dân các địa phương".
Ngư dân phấn khởi được sở hữu con tàu cá vỏ thép hiện đại ra khơi xa |
Tàu cá của SBIC sẽ tốt hơn, rẻ hơn
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã từ nhiều năm nay nghiên cứu về thị trường tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân. Việc triển khai đóng 10 tàu cá mẫu vỏ thép chính thức triển khai từ tháng 9/2013, với quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng cho phép SBIC sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ để triển khai đóng tàu đánh cá vỏ thép mẫu cho ngư dân ở ba miền, căn cứ vào phong tục tập quán, thói quen đánh bắt cá của từng địa phương.
Gần 2 năm thực hiện chương trình của Bộ GTVT, nay SBIC có các loại mẫu tàu vỏ thép đã được đóng gồm: lưới rê, lưới kéo, lưới vây, chụp mực và câu cá ngừ. Mỗi một địa phương có đặc thù khai thác riêng như tàu câu cá ngừ được sử dụng nhiều ở Bình Định, tàu chụp mực ở Nghệ An, Quảng Bình và tàu kéo lưới rê, lưới vây ở phía Bắc.
Với những tàu vỏ thép đầu tiên bàn giao cho chủ tàu, lúc đầu ngư dân đều băn khoăn vì không giống tàu gỗ truyền thống sử dụng trước đây. Tuy nhiên, sau một hai chuyến đi biển đánh bắt cá về thì suy nghĩ và cách đặt vấn đề của ngư dân khác hẳn. Họ cho rằng, tàu vỏ sắt giá thành cao hơn nhưng lại có ưu điểm tốc độ nhanh, sự ổn định cao hơn khi chịu được sóng cấp 9, tiết kiệm nhiên liệu 15% so với tàu gỗ cùng công suất, đặc biệt việc bảo quản sản phẩm sau khi đánh bắt dài ngày tốt hơn rất nhiều”.
Đến nay, theo đánh giá chung của SBIC và ngư dân đã vận hành tàu, các mẫu tàu cá vỏ thép mới này đáp ứng yêu cầu. Những tàu đầu tiên có một số chi tiết cần chỉnh sửa, cho phù hợp với vận hành thực tế, đã được Tổng công ty khắc phục ngay.
Trên cơ sở 10 tàu mẫu được đưa ra giới thiệu, vận hành khai thác xa bờ lần này, SBIC sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn về các chi tiết kỹ thuật, cải tiến giảm giá thành sản phẩm theo tiêu chí “bền chắc, an toàn, hiệu quả, giá thành cạnh tranh nhất trên thị trường” để bà con ngư dân lựa chọn, đầu tư.
Bài học kinh nghiệm thu được từ Chương trình này, đó là khi SBIC thiết kế mẫu tàu vỏ thép, đơn vị đã cho đội ngũ kỹ sư thiết kế thâm nhập và cùng tham gia đi biển với ngư dân ở các ngư trường truyền thống, sau đó, giữa các bên tiếp tục có sự hợp tác thống nhất về thiết kế để làm ra các mẫu tàu phù hợp với truyền thống đánh bắt của ngư dân.
Ông Sự cũng cho biết, để phục vụ tốt các điều kiện để cho ngư dân yên tâm, SBIC có kế hoạch triển khai các dịch vụ hậu mãi, sửa chữa, bảo dưỡng ở tất cả các nhà máy của Tổng công ty trên dọc bờ biển và một số đảo, để khi chủ tàu cần bảo dưỡng, sửa chữa thì không phải vào đất liền, đỡ tốn kém hơn rất nhiều, lại vẫn tiếp tục vươn khơi.
Với năng lực của các nhà máy của SBIC hiện nay, mỗi năm, SBIC có thể đóng được khoảng 500 chiếc tàu. Hi vọng với chương trình này, SBIC sẽ đóng góp vào việc thép hóa vỏ tàu cho bà con vươn khơi ra biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận