Sáng nay 15/5, siêu tàu cao tốc Thăng Long của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc đã đưa 300 hành khách đi chuyến tàu đầu tiên từ TP.HCM ra Côn Đảo.
Trước đó, sau khi khai trương hôm 13/5, tàu Thăng Long đã chở một lượt khách tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo và tuyến Côn Đảo - TP.HCM.
Để phục vụ khách hàng, Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc có bố trí xe trung chuyển đưa khách từ trung tâm TP.HCM ra cảng Hiệp Phước và ngược lại.
Ở chiều đi, xe trung chuyển đậu tại Công viên 23/9 (quận 1), đón khách từ khoảng 5h - 5h20 các ngày tàu chạy.
Ông Quang Bá (57 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ, vợ chồng ông thường xuyên đi Côn Đảo tham quan, du lịch. Tuy nhiên, vé máy bay giá khá cao, phải sắp xếp thời gian theo lịch mua vé. Còn nếu muốn đi đường biển thì phải di chuyển xuống Vũng Tàu, rất mất thời gian.
Do vậy, nghe tin có tuyến tàu cao tốc đi thẳng từ TP.HCM ra Côn Đảo, vợ chồng ông rất hào hứng và mua vé đi trải nghiệm ngay.
"Dù mới hoạt động nhưng tôi thấy rất ổn từ khâu bán vé cho đến cách di chuyển ra tàu, cách đăng ký đi xe trung chuyển... Tôi đi trải nghiệm thử, nếu hài lòng thì chắc chắn sẽ là khách hàng thân thiết", ông Bá nói.
Thời gian từ TP.HCM ra Côn Đảo bằng tàu cao tốc dự kiến khoảng 5 tiếng.
Tương tự, chị Mai Lê (ngụ TP Thủ Đức) cũng rất háo hức khi trải nghiệm tàu cao tốc ra Côn Đảo. Theo chị, nếu đi máy bay ra Côn Đảo, tổng thời gian cũng phải từ 3 - 4 tiếng. Trong khi đó, giá vé máy bay rất cao, một chuyến bay khứ hồi cũng xấp xỉ 4 triệu đồng.
"Thật sự có thêm tuyến tàu cao tốc ra Côn Đảo sẽ giúp người dân thuận lợi hơn, giảm bớt chi phí cũng như có thêm trải nghiệm hành trình trên biển. Tôi hy vọng tàu này sẽ êm ái, dễ chịu, không bị say sóng", chị Mai Lê nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Văn Khương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (chủ đầu tư tuyến TP.HCM - Côn Đảo) cho biết, tính đến nay, chưa có con tàu nào to hơn và tốc độ nhanh hơn siêu tàu Thăng Long, 35 hải lý/giờ.
Về vấn đề say sóng, ông Khương cho rằng, nguyên nhân có thể do cơ địa của khách, do điều kiện thời tiết, sóng gió hoặc do thiết kế của tàu.
Siêu tàu cao tốc Thăng Long chạy theo trục Bắc - Nam nên được thiết kế dài nhất có thể để tránh tác động của sóng dọc. Mũi tàu được kéo dài để giảm chiều dài đường nước, giúp tàu chạy êm hơn, khách hàng thoải mái hơn.
"Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng dự báo thời tiết và thông tin cho hành khách, những ai có cơ địa dễ say sóng có thể căn cứ vào thời tiết để đặt vé, hạn chế việc say sóng khi đi tàu", ông Khương nói.
Nói về độ an toàn, ông Khương cho biết, tàu có các trang thiết bị hiện đại như đo sâu, hệ thống ra-đa xác định khoảng 200 mục tiêu và định vị (khóa mục tiêu); xác định các tàu xung quanh di chuyển như thế nào, nguy cơ va chạm... và đầy đủ các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, tàu cũng đạt song song 2 tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Đối với đội ngũ thuyền viên, thuyền trưởng, tất cả đều có kinh nghiệm chạy tuyến từ 6 - 7 năm.
Từ ngày 15 - 31/5, tàu cao tốc Thăng Long sẽ vận chuyển khách xoay vòng các tuyến TP.HCM - Côn Đảo; Côn Đảo - Vũng Tàu; Vũng Tàu - Côn Đảo và Côn Đảo TP.HCM.
Tàu sẽ khởi hành lúc 7h sáng từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đi Côn Đảo và lúc 13h từ cảng Bến Đầm (Côn Đảo) để về TP.HCM.
Giá vé tuyến TP.HCM - Côn Đảo dao động từ 615.000 đồng - 1,1 triệu đồng/lượt tùy theo hạng vé và thời điểm xuất phát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận