Hôm qua (21/11), tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, bán vé, chở khách có thu tiền.
Trong ngày đầu, hàng nghìn khách hào hứng xếp hàng mua vé, trong đó rất nhiều người mua vé tháng để đi lại hàng ngày.
Từ ngày 21/11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền. Ảnh: Tạ Hải
Mua vé dễ dàng, giá hợp lý
Ngày 21/11, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các một số ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong ngày tuyến tàu điện này bắt đầu bán vé, chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, lượng khách đến các ga tương đương với các ngày trong nửa tháng miễn phí vừa qua (từ 6 - 20/11).
Lượng khách đông nhất là tại hai ga đầu tuyến Cát Linh và Yên Nghĩa.
Sau đầu giờ buổi sáng, các chuyến tàu xuất phát tại ga đầu tuyến trung bình đạt trên dưới 120 khách/chuyến, tại các ga dọc tuyến thường có 10 - 20 khách lên, xuống.
So với các ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) trước đó, lượng khách giảm hơn. Trong khung giờ cao điểm, tại nhiều sân ga, số lượng khách ngồi đợi tàu khá thưa vắng.
Về vấn đề trên, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) nhận định, do là ngày nghỉ và hành khách phải mua vé nên chưa thể khẳng định được lượng hành khách đi trên tuyến này.
“Chúng ta sẽ phải khảo sát trong nhiều ngày tới khi người dân đi làm, đi học. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện, phục vụ nhu cầu của hành khách được nhanh, thuận tiện nhất”, ông Trường nói.
Ghi nhận tại quầy vé một số ga như: Cát Linh, Yên Nghĩa, Văn Quán, Thượng Đình..., đối tượng mua nhiều nhất là vé lượt, vé ngày để tham quan, trải nghiệm tàu điện, song cũng khá nhiều khách mua vé tháng phổ thông để đi lại hàng ngày.
Là một trong những khách mua vé tháng tại ga Hà Đông, anh Trần Đỗ Văn (phố Quang Trung, Hà Đông) chia sẻ: “Từ khi tuyến tàu điện này bắt đầu chở khách miễn phí, tôi đã chọn đi làm bằng tàu điện thay cho xe máy.
Nhà cách ga Hà Đông chỉ khoảng 10 phút đi bộ, chỗ làm cũng ở phố Cát Linh nên đi tàu rất tiện.
Mỗi tháng chỉ hết 200.000 đồng tiền vé, rẻ hơn cả tiền mua xăng đi xe máy, hầu như lên ga có tàu ngay, nên lợi rất nhiều”.
Tại ga Thượng Đình, chị Lê Thị Hoài (trú gần Chợ Xanh, Thanh Xuân) cũng cho biết, giá vé tháng tính ra chỉ chưa đến 7.000 đồng/ngày nên phù hợp với cả người mới đi làm, thu nhập thấp.
“Tôi làm việc theo ca, nhiều hôm 21h - 22h đêm mới được về. Giờ có tuyến tàu điện này lợi đủ đường, đi sớm về muộn, trời mưa nắng cũng không lo, nhất là không bị tắc đường, chen chúc như đi xe máy, xe buýt”, chị Hoài cho hay.
Khách còn bỡ ngỡ, cần hướng dẫn chi tiết
Ghi nhận cho thấy, trong ngày đầu bán vé, tại các ga đồng loạt phát hành các vé lượt, vé ngày, vé tháng và vé miễn phí.
Trong đó, chỉ có vé lượt được bán qua máy bán tự động (đồng thời bán trực tiếp), còn các vé khác được bán trực tiếp tại quầy.
Vé lượt được in mệnh giá 30.000 đồng, dạng giấy tương tự như vé xe buýt; còn các vé khác là thẻ vé.
Khách sử dụng vé ngày đi qua lối riêng, đóng mở thủ công để lên tầng ke ga đợi tàu; còn các vé khách đi qua cổng soát vé tự động.
Theo ghi nhận, nhiều khách chọn mua vé lượt qua máy bán tự động, tại đây đều có nhân viên nhà ga trực hướng dẫn nên không gặp vướng mắc phát sinh.
Tuy nhiên, ghi nhận tại ga Thượng Đình cho thấy, một trong 2 máy bán vé tự động hiển thị chế độ ngừng phục vụ, cũng như chỉ phục vụ bán vé 1 quầy.
Theo giải thích của nhân viên nhà ga, do máy bán vé trục trặc nên chờ được khắc phục.
Một số hành khách cho biết đây là lần đầu đi tàu Cát Linh - Hà Đông, nên khá bỡ ngỡ và đi vượt quá nhà ga định đi, nên phải trả thêm tiền và thủ tục khá phức tạp.
“Tôi mua vé tại quầy từ ga Cát Linh, bảo nhân viên là mua vé đi toàn tuyến và khứ hồi. Khi đến ga cuối Yên Nghĩa thì nhân viên yêu cầu trả thêm 8.000 đồng và đưa cho thẻ vé để đi qua cửa soát vé.
Vé đi đến ga gần nhất là 8.000 đồng, nhưng nhân viên bán cho vé 7.000 chỉ để vào cửa, chẳng nhẽ chỉ đi vào xem ga rồi quay ra?”, một nam hành khách phản ánh.
Tương tự, một hành khách cho biết mua vé từ ga trên đường Nguyễn Trãi, khi đến ga Yên Nghĩa phải trả thêm 2.000 đồng tại cửa sau quầy bán vé để được đưa thẻ vé quẹt đi cổng soát vé để ra.
Khi được hỏi, một số nhân viên nhà ga cho biết, theo quy định chung, khách đi quá chặng vé phải mua bổ sung (trả thêm tiền) theo thực tế quãng đường di chuyển.
Có thể do ngày đầu nhiều khách chưa quen nên xảy ra một số trường hợp trên.
Đề cập vấn đề trên, theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, ở các nước châu Âu cũng xảy ra vấn đề tương tự, trường hợp đi quá thậm chí bị phạt số tiền cao hơn tiền vé nhiều lần.
“Trong thời gian đầu không tránh khỏi các trường hợp khách đi quá chặng vé, có thể do vô ý hoặc cố tình.
Vì vậy, đơn vị vận hành cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho khách”, ông Ân nói.
Vé được trợ giá 60 - 70%
Hành khách mua vé đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông tại máy bán vé tự động sáng 21/11. Ảnh: Tạ Hải
Theo GS. Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt VN, giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông như hiện nay là phù hợp với hầu hết đối tượng, nên giai đoạn đầu khai thác thương mại chắc chắn sẽ thu hút hành khách có cung đường di chuyển hàng ngày dọc theo trục tuyến.
“Nếu có cơ chế giá vé tàu liên thông với các tuyến xe buýt sẽ thu hút thêm được khách ở ngoài phạm vi trên”, GS. Phong nói.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua đánh giá về thời gian đầu khai thác sau 15 ngày cho thấy, người dân khá hào hứng với tuyến đường sắt đô thị này.
“Trong nửa tháng qua, tuyến tàu điện đầu tiên của Thủ đô đã thu hút rất đông hành khách, trong số đó thu hút thêm được nhiều người lựa chọn sử dụng để đi làm thay phương tiện cá nhân”, ông Hải đánh giá.
Liên quan đến việc kết nối với các tuyến buýt với tàu Cát Linh - Hà Đông, ông Hải cho rằng, việc kết nối với xe buýt tại các nhà ga hết sức thuận lợi.
Hiện, có 54 tuyến buýt kết nối, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến và các ga trung gian có 8 - 9 tuyến.
“Để thuận tiện hơn cho khách đi tàu chuyển sang xe buýt đi liên tuyến, chúng tôi đang yêu cầu Metro Hà Nội dán lộ trình tuyến xe buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ biết thông tin để đi các tuyến buýt kết nối”, ông Hải nói.
Ông Vũ Hồng Trường thông tin thêm, trong 15 ngày vận hành miễn phí, toàn tuyến đường sắt đô thị chỉ phát sinh một số lỗi nhỏ như hỏng cần gạt nước của tàu, loa trên tàu bị rè…, Metro Hà Nội đã nhanh chóng khắc phục ngay, điều tàu dự phòng thay thế chứ không bỏ chuyến.
Theo ông Trường, trong ngày đầu tiên bán vé thu tiền, nhiều hành khách chưa quen việc mua vé và sử dụng vé.
Do đã lường trước tình huống này, Hà Nội Metro đã bổ sung 100 người là cán bộ, công nhân viên công ty, tình nguyện viên để hướng dẫn khách mua vé, đồng thời khắc phục ngay những tình huống phát sinh.
Về thời gian tàu chạy sẽ được điều chỉnh, cụ thể, ông Trường cho biết, trong giai đoạn từ 21/11/2021 - 6/5/2022, các đoàn tàu hoạt động từ 5h30 - 22h hàng ngày, tần suất 10 phút có một chuyến tàu dừng tại ga; thời gian dừng tại ga 25 - 50 giây để khách lên xuống.
Giai đoạn tiếp theo, từ ngày 7/5 - 6/11/2022, tàu chạy từ 5h30 - 22h30; giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến.
Khẳng định đối tượng của đường sắt đô thị hướng tới là những người đi lại thường xuyên đi vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, ông Trường nhận định, mỗi phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định.
Vì vậy, một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề mà cần có cả một hệ thống.
“Nhưng rõ ràng đây là sự khởi đầu tốt đẹp, bước phát triển mới về giao thông công cộng. Chỉ khi nào hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra của giao thông đô thị ở các thành phố lớn”, ông Trường nói.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, trong 15 ngày vận hành miễn phí (từ ngày 6/11), đơn vị đã vận hành được 2.554 chuyến tàu an toàn, chở 380.510 hành khách.
Như vậy, bình quân 1 ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển được khoảng 25.000 hành khách, trong đó lượng người đi bình quân của ngày làm việc là khoảng 19.000 hành khách.
Về lượng phân bổ hành khách, theo ông Trường, ga Cát Linh chiếm 28%, ga Yên Nghĩa chiếm 24%. Còn lại 10 nhà ga chiếm hơn 40%.
Riêng ga Cát Linh mỗi ngày có từ 1.000 - 1.500 người gửi xe máy (chiếm 18,4% lượng người đi tàu ở ga này).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận