Tình hình trong ngày 14/5 vẫn hết sức căng thẳng, Trung Quốc ngang nhiên siết vòng bảo vệ giàn khoan trái phép, huy động nhiều tàu quân sự và hộ vệ tên lửa áp sát các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Trung Quốc thay đổi phương án bảo vệ giàn khoan HD981
Theo VnExpress, so với những ngày trước đây, phía Trung Quốc có những biểu hiện thay đổi phương án ngăn cản tàu Việt Nam ngay từ chiều tối 13/5.
Tàu CSB Việt Nam thường xuyên bị 3 đến 4 tàu của Trung Quốc bám sát, kèm chặt, ngăn cản (Ảnh: VnExpress) |
Dù các biên đội tàu cảnh sát biển Việt Nam ra xa vị trí giàn khoan HD 981 (Haiyang Shiyou-981) nhưng vẫn bị nhiều tàu hải giám Trung Quốc theo kèm. Khi tàu Việt Nam cơ động tiến sâu vào vị trí giàn khoan, những tàu Trung Quốc manh động triển khai theo thế gọng kìm, tăng cường cản mũi, hú còi, cản trở tàu Việt Nam.
Tình hình cho thấy phía Trung Quốc cũng triển khai đội hình khác trước. Thay vì ngăn cản Việt Nam trong phạm vi từ 8 đến 10 hải lý như những ngày trước, thì hôm nay họ tập trung ở cự ly 6,5 hải lý tính từ giàn khoan trở ra.
Ngày 14/5, các biên đội của cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục mở hai đợt cơ động tiếp cận sâu vào vị trí phía Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Sáng sớm nhận lệnh từ Sở Chỉ huy, tàu cảnh sát biển 8003 cùng biên đội tàu cảnh sát biển của Việt Nam di chuyển theo đội hình chữ V tiếp cận khu vực giàn khoan. Khoảng cách đến giàn khoan ngắn dần cũng là lúc các tàu hải cảnh Trung Quốc từ các vòng bảo vệ túa ra ngăn cản. Nhiều tàu hải cảnh, kiểm ngư cùng tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc khép vòng đai bảo vệ giàn khoan 981.
Phía trên các tàu cảnh sát biển Việt Nam, Trung Quốc liên tiếp điều máy bay quân sự quần lượn, trinh sát. Các tàu Trung Quốc luôn có biểu hiện hung hăng, khiêu khích, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng tấn công các tàu của Việt Nam.
Tàu Việt Nam trong vòng vây của tàu hộ vệ tên lửa
Thống kê của các biên đội tàu Cảnh sát biển Việt Nam khi tiếp cận các vị trí giàn khoan cho thấy, phía Trung Quốc đã huy động ít nhất 21 tàu hải giám và hải cảnh, 15 tàu hàng, 15 tàu cá giả dạng, 3 đầu kéo, 1 máy bay tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép.
Đáng nói là xung quanh khu vực đặt giàn khoan Hải Dương - 981 đã thấy xuất hiện nhiều tàu ngư dân của Trung Quốc, trong đó tàu quân sự chuyển quân của lực lượng này cũng đã có mặt.
Trong khi đó, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc thường xuyên tiến sát, uy hiếp các tàu CSB Việt Nam.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Nhưng tàu CSB VN đã dừng và lùi máy kịp thời (Ảnh: VnExpress) |
Theo phóng viên Tiền Phong, trưa ngày 14/5, hai vệt xám lù lù xuất hiện trên biển tiến từ đuôi tàu CSB 8003. Từ vị trí đuôi tàu tổ quan sát thông báo tàu 998 và 999 của Trung Quốc đang tiến gần. Hai tàu này, được phía Trung Quốc tăng cường khép đuôi vòng bảo vệ trong ngày 14/5. Lập tức hai tàu này tiến gần tàu Cảnh sát biển Việt Nam khoảng 2 hải lý.
Theo quan sát của phóng viên, trên hai con tàu này đều có sân đỗ và chở theo máy bay trực thăng. Trong khi đó, ở vị trí khoảng 4,5 hải lý đôi tàu tấn công nhanh, hộ vệ tên lửa của Trung Quốc cũng thường xuyên theo kèm, uy hiếp tàu CSB 8003.
Theo chỉ huy tàu CSB Việt Nam 8003, các tàu hộ vệ tên lửa này những ngày trước làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài giàn khoan nhưng trong ngày 14/5 đã cơ động để đe dọa các tàu chấp pháp Việt Nam khi chúng ta tiến sâu vào vị trí giàn khoan.
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Lương Cao Khải - Phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay: Trung Quốc vẫn duy trì các lớp tàu dày đặc bảo vệ giàn khoan trái phép. Hiện, vị trí giàn khoan không thay đổi. Trung Quốc đang tăng cường theo dõi các tàu chấp pháp Việt Nam làm việc trên vùng biển chủ quyền. Lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn luôn vững vàng thực thi nhiệm vụ tuyên truyền, luôn kiềm chế, không để mắc mưu của tàu Trung Quốc.
Thêm tàu hậu cần và đánh bắt lớn ra Hoàng Sa
Trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoàn Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân miền Trung vẫn quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa. Sáng nay 14/5, ngư dân Đà Nẵng đã hạ thủy thêm một tàu hậu cần công suất lớn, sẵn sàng lên đường vươn khơi.
Theo TTXVN, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ hạ thủy thêm nhiều tàu công suất lớn, nhằm nâng cao chất lượng khai thác và phục vụ công tác hậu cần tại các ngư trường truyền thống thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tàu đóng mới có công suất từ 400 CV trở lên đều được thành phố hỗ trợ từ 500 triệu đến 800 triệu đồng/chiếc. |
P.V (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận