Giao thông

Tàu Hải Đăng 05, cầu nối đất liền với đảo xa

10/09/2016, 17:23

Bất kể sóng to, gió lớn tàu Hải Đăng 05 đều đặn từ đất liền đi quần đảo Trường Sa mỗi năm 7 chuyến.

8

Tàu Hải Đăng 05 trong một chuyến hành trình đi tiếp tế các trạm đèn trên quần đảo Trường Sa

Bất kể thời tiết, sóng to, gió lớn trong mùa mưa bão, mỗi năm, tàu Hải Đăng 05 đều đặn từ đất liền đi quần đảo Trường Sa 7 chuyến. Có những chuyến ra khơi kéo dài tới 38 ngày, lênh đênh cùng sóng gió biển Đông

Bám tàu bám biển nhiều hơn ở đất liền

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi đi đón tàu Hải Đăng 05 khi nó vừa cập bến cảng cầu Rạch Bàng (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhìn thủy thủ đoàn, ai cũng nước da rám nắng vì trải qua những chuyến đi tiếp tế triền miên trên biển. Chuyến vừa rồi ngắn nhất cũng mất hơn 20 ngày lênh đênh trên sóng nước. Các thủy thủ tranh thủ dọn vệ sinh, bảo dưỡng tàu… để chuẩn bị cho chuyến ra khơi kế tiếp. Tiếp chúng tôi tại phòng chỉ huy trên tàu, thuyền trưởng Trần Văn Nga chia sẻ, anh đã làm việc trên tàu Hải Đăng 05 ngay từ những ngày đầu tàu được đưa vào vận hành đi các đảo.

“Lúc đầu, tàu nhận nhiệm vụ tiếp tế bốn đảo (thuộc quần đảo Trường Sa) gồm: Song Tử Tây, Đá Lát, An Bang, Đá Tây. Nhưng hiện nay, tàu phục vụ cho 9 đảo và bốn nhà giàn. Gần hai tháng, chúng tôi phải hoàn thành một chuyến tiếp tế ra đảo. Có những chuyến đi kéo dài tới một tháng, thậm chí là 38 ngày. Thời gian, anh em thủy thủ đoàn sống trên tàu, lênh đênh trên biển nhiều hơn trên đất liền”, anh Nga nói.

Năm 2005, Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam được trang bị tàu Hải Đăng 05 (công suất 1.000hp, vận tốc trung bình 9 hải lý/h) để thực hiện nhiệm vụ tiếp tế, chuyển người thay ca trực cũng như đi kiểm tra, sửa chữa bảo dưỡng các công trình, trang thiết bị hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Tàu có tải trọng trên 500 tấn, chỉ chịu được sóng cấp 5, gió cấp 6, nhưng trên thực tế, Hải Đăng 05 từng đi xuyên qua nhiều cơn giông bão có cấp sóng to, gió lớn hơn nhiều…

Các thủy thủ tàu Hải Đăng 05 nhớ rất rõ chuyến tiếp tế vào cuối năm 2011. Chuyến đó, tàu gặp hai cơn áp thấp nhiệt đới và một cơn bão. Khoảnh khắc gian nan và hiểm nguy nhất là khi tàu chạy đến gần đảo Sơn Ca thì vào tâm bão. Những con sóng dữ liên hồi chồm lên như muốn nhấn con tàu chìm xuống lòng đại dương bao la. Tất cả thủy thủ đoàn phải dầm mưa, tập trung chống sóng. Tàu thả hai neo, chạy máy liên tục suốt đêm cho đến khi sóng gió giảm dần.

Anh Hà Đức Vương, Đại phó tàu Hải Đăng 05 cho hay, anh đã làm việc trên con tàu này suốt 9 năm qua nên việc phải đối mặt với sóng to, bão lớn cũng là… chuyện thường ngày. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Vương là khoảng tháng 9/2008, trong khoảng 10 ngày mà có tới ba cơn bão, tưởng không thể về để cưới vợ. Tàu phải neo đậu ở đảo Đá Tây gần 20 ngày vừa để tránh trú bão, vừa sửa chữa máy. Chuyến đó, các anh lênh đênh ngoài biển tròn một tháng ròng.

“Tháng 10/2013, tàu chúng tôi đang hành trình tiếp tế thì gặp đúng dịp thời tiết xấu, biển động mạnh nhiều ngày. Gần 20 ngày, Hải Đăng 05 không thể liên lạc với bờ vì trạm phát sóng trên quần đảo bị bão làm hỏng. Gió giật mạnh khiến các thủy thủ cũng bị say sóng. Chuyến hành hải này có một đồng chí phóng viên ra thăm các đảo bị say sóng rất nặng, không thể ăn uống được, cơ thể suy kiệt. Tàu lại không có y, bác sĩ. Tình thế khá nguy cấp nên chúng tôi quyết định đưa anh phóng viên đến bệnh xá đảo Song Tử Tây để cứu chữa. Đợi ở đó thêm hai ngày nữa, khi sức khỏe của phóng viên khá lên, tàu mới tiếp tục hành trình. Chuyến tiếp tế này, thời gian kéo dài kỷ lục lên 38 ngày”, anh Vương nhớ lại.

Ông Đào Quang Hân, nguyên thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 kể với chúng tôi: “Trận bão lớn cuối năm 2011 làm tàu neo không được, chạy cũng không xong. Chúng tôi rất lo lắng nhưng vẫn phải bình tĩnh để mọi người trên tàu không bị hoang mang. Tôi phải trực tiếp gọi điện cho Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo để xin chỉ thị: Trường hợp xấu nhất, đâm thẳng tàu vào đảo, cứu mạng sống anh em. Cuối cùng, nhờ sự tỉnh táo, bản lĩnh, kinh nghiệm và quyết đoán, Hải Đăng 05 và các thuyền viên đã vượt qua được tình huống “ngàn cân treo sợi tóc””.

Mong lắm một con tàu lớn

Thuyền trưởng Trần Văn Nga cho hay, tàu Hải Đăng 05 chỉ vận chuyển được 160m3 nước ngọt, trong khi lượng nước ngọt mà các trạm hải đăng và nhà giàn cần nhiều hơn gấp nhiều lần. Rất nhiều chuyến đi biển, vì dành nước ngọt tiếp tế cho các đảo mà thủy thủ đoàn phải bơm nước dằn tàu để nấu ăn, sinh hoạt, nhất là những lần hành hải vượt thời hạn kế hoạch vì biển động.

“Tàu đã nhiều tuổi, trọng tải nhỏ, vận tốc lại quá chậm nên hạn chế đáng kể công việc tiếp tế, phục vụ các đảo. Ngay như việc bảo quản thực phẩm, mặc dù có kho lạnh nhưng rau, củ, quả chỉ khoảng một tuần đã bắt đầu hỏng. Có một vài hòn đảo trồng được rau, còn lại, các trạm phải trông chờ rau, quả từ đất liền. Nhiều khi, tàu đến nơi, rau xanh đã hỏng, chỉ còn một số loại củ, quả thôi. Thương đồng đội lắm nhưng các thủy thủ đoàn cũng chỉ biết động viên các anh ngoài đảo”, anh Nga chia sẻ.

Hải Đăng 05 được thiết kế để chở theo 17 thuyền viên và 11 khách, nhưng có những chuyến tàu chở tới 40 người. Các thủy thủ cho biết, ngoài việc chở các đoàn ra kiểm tra, chở công nhân viên thay ca vận hành trạm đôi khi còn chở cả các đoàn ra thăm đảo. Vì tình yêu biển, đảo quê hương, dẫu có không đủ chỗ ngủ, cả chủ và khách phải nằm sàn cũng chỉ là “chuyện vặt”. Đáng ngại nhất là gặp thời tiết xấu, hay như lần bị “tàu lạ” truy đuổi, chỉ cần một cú đâm va là hậu quả khôn lường.

Khí hậu, thời tiết khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa đã và đang ngày càng khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài hơn và mùa gió cũng thay đổi phức tạp. Mỗi năm, hàng chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới thường xảy ra vào lúc giao mùa, từ tháng 6 đến tháng 9. Trong khi đó, tàu tiếp tế phải thường xuyên đi các trạm để thực hiện thay ca, tiếp tế, kiểm tra… “Chúng tôi đã đề xuất với Bộ GTVT và Chính phủ để được đầu tư một con tàu mới có trọng tải 1.000 - 1.200 tấn, hoạt động an toàn với điều kiện sóng cấp 8,  gió cấp 9. Đồng thời, tàu có khả năng đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, thanh thải chướng ngại vật, bảo vệ môi trường, dịch vụ dầu khí… khi được giao nhiệm vụ”, một lãnh đạo Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.