Trả lời báo chí, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã cập nhật về tình hình tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bà Hằng cho biết: “Việt Nam khẳng định nhất quán mọi hoạt động trên Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Theo bà Hằng, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 hiện đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng
Trước đó, hồi cuối tháng 3 khi có thông tin tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó phát ngôn viên Phạm Thu Hằng tuyên bố: “Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát những diễn biến trên Biển Đông, kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp quản lý và thực thi pháp luật trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và pháp luật Việt Nam để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình”, tuyên bố như vậy để trả lời câu hỏi của báo chí về diễn biến này.
Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác tài nguyên và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các quốc gia thành viên của UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, chỉ được phép thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học biển khi có sự đồng ý từ trước của nước ven biển liên quan.
Cũng tại cuộc họp báo ngày 6/4, liên quan đến việc Tổ chức Khoa học Tự nhiên Trung Quốc công bố danh sách một số khu vực khảo sát thường xuyên trong đó có nhiều tuyến ở Biển Đông bao trùm lên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam.
Bà Hằng nói: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Việc tiến hành khảo sát nghiên cứu khoa học trong phạm vi quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS, mà không được sự cho phép của Việt là không phù hợp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình, do đó không có giá trị, theo bà Hằng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận