Khu vực cảng Đa Phúc (Thái Nguyên) được quy hoạch là cảng thủy đầu mối nhưng khó thành hiện thực - Ảnh: Tấn Minh |
Tàu, hàng chờ… cảng
Lãnh đạo một nhà máy chế tạo biến thế điện ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, biến thế điện thường xuyên phải vận chuyển hàng siêu trọng, siêu trường. Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng đường bộ thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhất là từ khi siết chặt kiểm soát tải trọng. Nhiều năm nay, đơn vị phải loay hoay chuyển hướng sang vận chuyển bằng phương tiện thủy, sau đó chuyển tải bằng đường bộ trên những chặng ngắn.
Tuy vậy, đại diện đơn vị này cho biết, khi tìm cách vận chuyển hàng bằng đường thủy lại gặp phải khó khăn không kém do tại Hà Nội chưa có cảng phù hợp để đưa hàng xuống phương tiện thủy. Nên phải dùng ô tô chuyên dụng để chở các biến thế hàng trăm tấn xuống một bến phà cũ trên sông Đuống, sau đó dùng tàu “há mồm” để chở hàng.
Đáng nói hơn, theo ông Đặng Văn Chung, Vụ phó Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN, bến phà trên không có phép hoạt động, nếu xảy ra sự cố sẽ rất phức tạp. “Giải pháp khác được doanh nghiệp tính đến là dùng ô tô chở đến cảng Hồng Vân, huyện Thường Tín, sau đó đưa xuống phương tiện thủy, nhưng lại khá xa”, ông Chung nói.
Cũng theo ông Chung, không chỉ đơn vị trên, khi đường bộ kiểm soát chặt tải trọng, rất nhiều doanh nghiệp, chủ hàng khu vực Hà Nội muốn đưa hàng xuống đường thủy nhưng khó khăn vì thiếu cảng. Trong khi đó, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hầu hết các cảng, bến thủy trên sông Hồng, Đuống được xây dựng từ nhiều năm trước, giờ chủ yếu đủ năng lực bốc dỡ phương tiện hàng hóa là vật liệu xây dựng. Ngay như cảng Hà Nội, cảng Khuyến Lương có quy mô lớn nhất Hà Nội cũng chủ yếu bốc dỡ được vật liệu xây dựng.
Không chỉ khu vực Hà Nội, đại diện của Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp vận tải siêu trường, siêu trọng nói chung thường than phiền về năng lực bốc xếp yếu của hệ thống cảng thủy. “Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, rất muốn vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Vũng Áng. Thế nhưng lại không thực hiện được vì các cảng không có thiết bị xếp dỡ, nên đành phải vận chuyển bằng đường bộ”, ông Chung nói.
Cảng trung tâm gần chục năm vẫn... nằm trên giấy
Ông Phạm Minh Nghĩa, nguyên Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho rằng, một trong những “nút thắt” khiến vận tải đường thủy không có hệ thống cảng thủy hiện đại, cảng trung tâm là do từ trước đến nay ít được quan tâm đầu tư. Ông Nghĩa dẫn chứng, điển hình là Cảng container quốc tế Phù Đổng (Hà Nội) đã được quy hoạch từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Gần chục năm trước, ngay cả khi có dự án vốn vay của Ngân hàng Thế giới về đầu tư phát triển hệ thống GTVT thủy khu vực Đồng bằng Bắc bộ (WB6) đã dành 20 triệu USD để đầu tư cho Cảng container quốc tế Phù Đổng. Tuy nhiên, từ đó đến nay vì nhiều lý do chưa triển khai được.
Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật cảng Hải Linh (Phú Thọ) cho biết, đơn vị nhận được nhiều đơn hàng từ Việt Trì đi cảng biển Hải Phòng, nhưng do luồng trước cảng bị cạn, tàu thường xuyên phải giảm tải, thậm chí bị mắc cạn, song không thể tự nạo vét luồng trước cảng. Một đại diện của Nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cũng cho biết, doanh nghiệp này từng có ý định đầu tư cảng để vận chuyển phân đạm bằng đường thủy, song sau không triển khai vì lo ngại tính không ổn định của luồng lạch. |
Liên quan đến dự án Cảng container quốc tế Phù Đổng, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, dự án được Hà Nội chấp thuận chủ trương xây dựng từ năm 2011 với diện tích khoảng 263.460m2, công suất cảng: 2,54 triệu tấn/năm. Đến nay, chủ đầu tư đã nghiên cứu, thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để có thể triển khai dự án. Tuy nhiên, quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án đang gặp khó khăn do liên quan đến quy định về quản lý đê điều và Quy hoạch phòng chống lũ trên địa phận TP Hà Nội.
Theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng phê duyệt tháng 2/2016, khu vực bãi sông dự kiến xây dựng cảng Phù Đổng lại nằm trong khu vực bãi sông không được phép nghiên cứu xây dựng. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, dự án cần được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai.
“Nếu cảng Phù Đổng được xây dựng, vận tải thủy khu vực Hà Nội chắc chắn sẽ có sự phát triển đột phá, bởi cảng này kết nối với các QL1, 18, 5 và chỉ cần kéo vài kilomet đường sắt là nối với ga đường sắt Yên Viên”, ông Nghĩa cho biết.
Là người công tác lâu năm trong ngành Đường thủy, ông Nghĩa dẫn chứng thêm trường hợp kém may mắn hơn là cảng Đa Phúc (giáp Thái Nguyên, Hà Nội) không được quan tâm, đầu tư xây dựng trở thành cảng trung tâm nên đã khiến đường thủy khu vực phía Bắc đánh mất cơ hội phát triển.
“Cảng Đa Phúc đã được quy hoạch 20 năm, quy hoạch nào cũng nói cảng này là cảng thủy đầu mối, nhưng chưa được đầu tư. Ngày xưa đất khu vực đó rộng khoảng 20ha, nhưng bây giờ xây dựng hết rồi, chỉ còn khoảng 2ha, làm sao xây được cảng đầu mối”, ông Nghĩa nói và cho rằng chỉ Nhà nước mới đủ nguồn lực để đầu tư hạ tầng các cảng thủy đầu mối, còn tư nhân tham gia đầu tư phụ trợ như kho hàng, vận tải, dịch vụ liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận