Chính phủ Anh từng bước thay mới hệ thống tàu để đảm bảo vệ sinh |
Tàu vẫn xả thải xuống đường ray
Vấn đề nhà vệ sinh và xả thải từ tàu vốn nhức nhối trong ngành Đường sắt Anh nhiều năm nay. Cách đây 2 năm, trong bài viết tìm hiểu thực tế, phóng viên BBC mục Inside Out đã phát hiện thực trạng tàu của Anh luôn xả trực tiếp chất thải từ nhà vệ sinh xuống đường ray.
Phóng viên Mary Rhodes đi thực tế dọc tuyến đường sắt West Midlands để tìm hiểu thực trạng vấn đề này và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện chất thải trên đường ray và ngay tại nhà ga. Bà Susan Lea, một người dân đến từ miền Bắc xứ Wales không ít lần hứng chịu chất thải xả trực tiếp từ tàu xuống đường ray và văng ra khắp khu vườn của bà ở gần đó.
Tiến sĩ Martin Cox đến từ Đại học Coventry từng thử nghiệm ngẫu nhiên các mẫu vật thu lượm trên đường ray để phân tích và phát hiện, việc xả trực tiếp chất thải tiềm ẩn nhiều rủi ro tới sức khỏe cộng đồng.
Thời điểm đó, Tập đoàn Đường sắt, đại diện cho các công ty đang điều hành đường sắt tại Anh khẳng định, ngành này đang đầu tư hàng triệu bảng Anh để đóng mới tàu có các khoang kín chứa chất thải và cải tiến một số tàu cũ. Song, từ đó đến nay, tình trạng xả thải chưa được giải quyết dứt điểm. Số toa tàu gây mất vệ sinh trên đường ray hiện nay so với năm 2015 đã giảm hơn 1.000 toa. Nhưng vẫn còn khoảng 500 toa xả thải trực tiếp, cụ thể là trên các tuyến tại khu vực West Country và East Anglia.
Chính phủ vào cuộc
Khoảng trung tuần tháng 10 này, các lãnh đạo, giám đốc công ty trong ngành Đường sắt Anh hứa hẹn, hạn cuối cùng để chấm dứt tình trạng xả thải trực tiếp từ tàu xuống đường là năm 2019. Ông Mark Carne, Giám đốc điều hành Network Rail (Cơ quan Đường sắt Anh) thừa nhận, chính ông chứ không phải ai khác tận mắt trải qua cảm giác kinh khủng khi chất thải của hành khách được “phóng” trực tiếp từ tàu xuống đường sắt.
Phát biểu tại sân ga Swindon nằm ở khu vực Tây Nam nước Anh, nơi vẫn còn tình trạng mất vệ sinh trên đường ray, ông Carne cho biết: “Thật kinh khủng. Tôi từng có mặt ở đây với các nhân viên phụ trách đường ray và tận mắt nhìn thấy cảnh xả thải bừa bãi. Cách thực hiện như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận. Tôi rất vui vì Chính phủ đã vào cuộc”.
Ông nói: “Chỉ khi đứng bên đường sắt chứng kiến tàu đi qua và xả thải như vậy, bạn mới thực sự hiểu cảm giác phải ngay lập tức quay lưng, ngậm miệng là như thế nào”.
Hiện nay, Bộ Giao thông Anh đã yêu cầu tất cả các công ty được nhượng quyền hoạt động đường sắt đều phải sử dụng bể trữ để chứa chất thải và các bể này sẽ được làm sạch sau khi tới ga. Đây là một điều kiện trong hợp đồng hoạt động của các công ty chuyển nhượng với chính phủ tính đến cuối thập kỷ này.
Sự thay đổi rốt ráo của Chính phủ cũng như ngành Đường sắt được hành khách và công nhân trong ngành vô cùng hoan nghênh. Các tổ chức công đoàn trong ngành từ lâu đã vận động Chính phủ có động thái mạnh mẽ để bảo vệ đường tàu. Người phát ngôn Công đoàn Hiệp hội Giao thông, Đường thủy và Đường sắt (RMT) cho biết: “Chúng tôi muốn nhìn thấy mốc thời gian cụ thể buộc các công ty khai thác tàu phải ngừng hành động khiến nhân viên của chúng tôi hàng ngày phải đối mặt với chất thải của hành khách. Chúng tôi không quan tâm tới những lời cam kết nửa vời. Chúng tôi muốn những lời bảo đảm chắc chắn”.
Người phát ngôn Tập đoàn Vận tải đường sắt Anh cho biết: “Các công ty đường sắt cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc và thấu hiểu sự khổ cực và khó chịu mà các công nhân làm việc trên đường sắt phải gánh chịu mỗi ngày. Chúng tôi đang đầu tư để tăng cường tàu bao gồm hàng nghìn toa tàu mới sẽ đưa vào khai thác từ năm 2021. Những toa tàu mới sẽ được lắp hệ thống toilet hiện đại, chắc chắn không có tình trạng xả thải, phóng uế xuống đường ray”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận