Luồng đường thủy sông Hồng đoạn Trung Châu - Cao Đại thường xuyên bị thay đổi, khiến phương tiện thủy mắc cạn
Ngày 15/6, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (thay thế Nghị định số 132/2015) bổ sung một số hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy; đồng thời tăng mức phạt tiền lên gấp 2-3 lần so với hiện nay.
Theo đó, các hành vi sau sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng: không thông báo kịp thời khi có vật chướng ngại xuất hiện trên luồng đường thủy hoặc khi luồng đường thủy thay đổi; không lập hồ sơ theo dõi vật chướng ngại trên đường thủy có ảnh hưởng đến ATGT đường thủy; không vận hành âu tàu hoặc vận hành âu tàu không đúng quy trình.
Áp dụng mức phạt 10-20 triệu đồng đối với vi phạm: không kịp thời bảo đảm ATGT khi phát hiện vật chướng ngại trên luồng; không sửa chữa kè, đập giao thông, âu tàu bị hư hại.
Điểm mới đáng chú ý là dự thảo lần đầu bổ sung chế tài đối với vi phạm trong hoạt động vận hành âu tàu thuyền (công trình đưa phương tiện thủy lưu thông qua khu vị trí nhất định; chủ yếu ở phía Nam, khi đắp đập ngăn mặn, trữ nước ngọt trong mùa khô).
Liên quan đến vi phạm không thông báo kịp thời sự thay đổi của luồng đường thủy, một lãnh đạo Đội Thanh tra đường thủy phía Bắc cho biết, trách nhiệm thông báo trước hết thuộc về đơn vị được giao quản lý, bảo trì thường xuyên luồng đường thủy.
“Luồng đường thủy có thể bị thay đổi do dòng chảy tự nhiên hoặc thi công công trình trên đường thủy. Trường hợp luồng bị thay đổi hoặc xuất hiện chướng ngại vật gây ảnh hưởng đến giao thông thủy mà không được thông báo kịp thời theo quy định về quản lý đường thủy để phương tiện thủy biết, đơn vị được giao quản lý bảo trì luồng tuyến là đối tượng đầu tiên chịu trách nhiệm”, vị này cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận