Reem Fawzy (trái), Giám đốc Pink Taxi"s cùng các nữ tài xế |
Taxi hồng là dịch vụ taxi đầu tiên do phụ nữ làm tài xế và họ cũng chỉ chấp nhận chở hành khách nữ với mong muốn những người phụ nữ ở thủ đô Cairo (Ai Cập) được sử dụng một phương tiện đi lại an toàn, thoải mái hơn, theo CNN.
Lái xe có bằng đại học, nói được tiếng Anh
Tài xế Pink Taxi’s rất dễ nhận biết vì họ mặc đồng phục màu hồng, chỉ nhận chở những chuyến đi được đặt trước. Mặc dù là phụ nữ nhưng họ rất biết cách xoay xở trong tình hình ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Cairo. Reem Fawzy, người sáng lập Pink Taxi’s cho biết: “Tôi thấy xã hội này cần một mô hình vận tải khách an toàn dành cho phụ nữ. chính vì thế tôi bắt đầu nghĩ xem mình có thể cung cấp dịch vụ gì”.
Tất cả tài xế của Pink Taxi’s đều phải có bằng đại học, nói được tiếng Anh và có ít nhất hai năm kinh nghiệm cầm lái ở Cairo. Tất cả các xe của Pink Taxi’s đều gắn thiết bị định vị GPS và một máy quay cũng như nút báo hiệu tình trạng khẩn cấp SOS. Trong tình trạng nguy hiểm, khách nhấn nút SOS, xe sẽ lập tức dừng lại và trung tâm điều khiển của Pink Taxi’s sẽ lập tức được thông báo về tình huống vừa xảy ra.
Reem Fawzy cho biết, một trong những động lực khiến cô lập ra dịch vụ taxi dành riêng cho phụ nữ này là để cho phụ nữ ở Cairo có nhiều cơ hội việc làm hơn. Cô nói: “Phụ nữ không thể tìm được việc làm vì phần lớn các doanh nghiệp và công ty trong khu vực tư nhân chỉ thích tuyển dụng đàn ông. Có nhiều nghề phụ nữ không thể làm ở đây”.
Reem Fawzy cũng thừa nhận rằng khi bắt đầu tuyển dụng những tài xế nữ đầu tiên, cô đã phải đối mặt với nhiều phản ứng tiêu cực: “Phản ứng ngay lập tức của nhiều người đàn ông là họ không muốn con gái họ làm tài xế taxi, đa số tài xế chuyên nghiệp đều là đàn ông”. Tuy nhiên, sau khi quảng cáo trên truyền hình và mạng xã hội, vô số đơn xin việc đã được gửi về văn phòng của Pink Taxi’s. Ban giám đốc lựa chọn ra 52 phụ nữ, đưa họ đi đào tạo, tập huấn hai tháng về luật giao thông đường bộ và kiến thức cơ bản về bảo dưỡng, sửa chữa xe hơi.
Phân biệt giới tính?
Tuy nhiên, Pink Taxi’s cũng vấp phải sự phê phán từ rất nhiều nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực bình đẳng giới. Đa số họ cho rằng tách phụ nữ ra khỏi không gian công cộng không phải là cách giải quyết tình trạng quấy rối tình dục ở Ai Cập. Dalia Abd El-Hameed, Giám đốc Chương trình Giới tính của Tổ chức “Sáng kiến Quyền cá nhân Ai Cập” nói: “Tôi không nghĩ việc phân biệt thế này sẽ giải quyết được vấn đề quấy rối tình dục hiện nay. Chúng ta có hai người phụ nữ đi cùng một chuyến xe hoặc cùng một chuyến tàu điện, điều này chẳng thể giúp được gì cụ thể. vì chúng ta biết khi rời khỏi xe, phụ nữ vẫn phải đi trên phố, vẫn phải đi cùng với những người khác và vẫn phải đối mặt với những kẻ quấy rối.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hơn 99% phụ nữ từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc taxi. Không chấp nhận thực tế này, Pink Taxi’s - Taxi hồng đã ra đời. |
Ngoài ra, giá cước của Pink Taxi’s đắt hơn nhiều so với các hãng taxi truyền thống khác, khiến không phải phụ nữ nào cũng có thể sử dụng dịch vụ của họ. Rõ ràng, khi làm điều này, họ không nghĩ đến đa số phụ nữ mà chỉ muốn tạo không gian an toàn khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng cho những người có đủ khả năng chi trả cho dịch vụ đó. Vì thế, chúng tôi không chấp nhận khi coi đó là giải pháp hạn chế nạn quấy rối phụ nữ”.
Trước đánh giá đó, Fawzy cho biết lý do vì sao giá cước của Pink Taxi’s lại cao hơn taxi truyền thống. Cô cũng nói thêm rằng cô chỉ đơn giản là điều hành một doanh nghiệp kinh doanh, phụ nữ hoàn toàn có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ của cô hay không: “Ở đây, chúng tôi chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ, muốn hành khách có sự riêng tư và an toàn mà thôi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận