Taxi Group đang đứng trước cuộc cạnh tranh quyết liệt với taxi công nghệ |
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Tổng Giám đốc điều hành Taxi Group chia sẻ những trăn trở xung quanh cuộc cạnh tranh của hãng taxi truyền thống với hiện tượng đang lên: Uber, Grab.
Thực trạng cạnh tranh trong thị trường taxi hiện nay thế nào, thưa ông?
Taxi truyền thống đang phải cạnh tranh quyết liệt với taxi công nghệ, nhưng không phải ai cũng đã thấy được những khía cạnh đằng sau cuộc cạnh tranh này.
Trước đây, thị trường taxi truyền thống cũng cạnh tranh với nhau, nhưng được phân khúc khá rõ ràng. Một số hãng taxi giá rẻ hơn phục vụ khách hàng thu nhập trung bình. Một số hãng sử dụng phương tiện cao cấp hơn, nên có giá dịch vụ cao hơn, phục vụ khách hàng có mức thu nhập khá hơn. Nhưng trong một hai năm trở lại đây, khi Uber, Grab vào Việt Nam, nhiều người có điện thoại thông minh quay sang sử dụng taxi công nghệ như Uber, Grab.
Không chỉ có vậy, thị trường gần đây còn trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều với sự xuất hiện liên tục của các hãng taxi công nghệ khác trên thế giới như Vivu (Face Car) hay Di Di (một hãng taxi công nghệ của Trung Quốc) cũng đã vào thị trường Việt Nam và đang tuyển dụng lái xe cũng như có các hoạt động quảng bá thương hiệu rất rầm rộ.
Phân khúc thị trường không còn rõ ràng như trước nữa. Cuộc cạnh tranh bây giờ diễn ra mang tính sống còn giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Với lợi thế về giá của taxi công nghệ, taxi truyền thống có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?
Thực tế, ngay cả một hãng mạnh, lâu đời như Taxi Group cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, chúng tôi rất hiểu, và thông cảm với những bức xúc của các doanh nghiệp taxi truyền thống khác trước sức ép quá lớn từ taxi công nghệ.
Chúng ta mở cửa quá nhanh, taxi công nghệ vào thị trường một cách rất đột ngột, taxi truyền thống trong nước không đủ thời gian để chuẩn bị.
Với sức mạnh công nghệ và lợi thế tài chính của các tập đoàn đa quốc gia, taxi công nghệ sẵn sàng chi mạnh để giảm giá sâu, chiếm lĩnh thị trường của taxi truyền thống. Đặc biệt ở giai đoạn đầu mới vào thị trường, các hãng taxi công nghệ này đưa ra mức giá cước rất thấp, thực hiện bù lỗ cho lái xe, cũng như tung ra các chương trình khuyến mại khủng, thậm chí chấp nhận hoạt động dưới mức giá thành nhằm thống lĩnh thị trường.
Chúng tôi lo lắng các nguyên tắc căn bản của Luật cạnh tranh có nguy cơ bị phá vỡ, thị trường taxi đang hết sức nhiễu loạn. Nhất là hiện nay, khi đã có được lượng lớn khách hàng, các hãng taxi công nghệ chủ động trong việc điều chỉnh linh hoạt giá cước, cùng một ngày giá có thể thay đổi trong biên độ đến mấy trăm phần trăm trong khi các hãng taxi truyền thống cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định niêm yết, kê khai giá cước theo thông tư liên tịch số 152 /2014/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải.
Nhiều ý kiến bi quan cho rằng, nếu các doanh nghiệp taxi truyền thống không cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó này, thì trong thời gian gần tới đây, thị trường sẽ vắng bóng taxi truyền thống. Việt Nam sẽ không còn ngành dịch vụ vận tải taxi mang thương hiệu Việt Nam nữa.
Ông có bi quan như vậy không, thưa ông?
Tôi nghĩ thực trạng là cực kỳ khó khăn, nhưng bằng mọi cách chúng tôi sẽ giữ vững thương hiệu Taxi Group cũng như ngành nghề kinh doanh taxi mà chúng tôi đã liên tục theo đuổi hơn 20 năm nay.
Chúng tôi hy vọng rằng taxi truyền thống của người Việt Nam sẽ tồn tại. Thực tế là chúng tôi không kêu ca hay ỷ lại vào cơ chế trong cuộc cạnh tranh này đâu. Đây là kinh tế thị trường và đây là sân chơi hội nhập toàn cầu, chúng tôi đã nghiên cứu triển khai ứng dụng gọi taxi như Uber, Grab từ nhiều năm trước rồi chứ không phải đợi đến khi họ xuất hiện chúng tôi mới hành động.
Từ những năm 2010, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa vào vận hành thử ứng dụng gọi taxi của Taxi Group trên điện thoại thông minh như vậy. Tuy nhiên, giai đoạn đầu vận hành có nhiều khó khăn, ứng dụng mới chỉ được sử dụng bởi các khách hàng là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, giúp khách hàng giải quyết vấn đề giao tiếp với tổng đài viên và lái xe mà chưa đến được với đại bộ phận khách hàng do hạ tầng công nghệ, trình độ công nghệ cũng như mức độ đón nhận của công chúng tại thời điểm đó với điện thoại thông minh chưa cao.
Mặc dù không thành công ngay lập tức nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục dồn tâm huyết và rất nhiều nguồn lực, cả về tài chính, vào việc phát triển Taxi Group app, tới nay chúng tôi đã thành công, tuy nhiên, Uber, Grab đã vào thị trường và mở rộng mạnh rồi.
Ngay cả khi ra được Taxi Group app, việc đào tạo lái xe vẫn rất khó khăn vì họ quen với phương thức điều hành taxi cũ. Chúng tôi đã phải tìm mọi cách khuyến khích họ làm quen với ứng dụng này, đào tạo họ sử dụng thành thạo công nghệ điện thoại thông minh.
Dù khó khăn như vậy, chúng tôi vẫn từng bước chuyển dần taxi truyền thống sang taxi công nghệ, cùng với nhiều giải pháp khác, chúng tôi hy vọng có thể cạnh tranh với taxi công nghệ.
Bằng cách nào thưa ông, để có thể cạnh tranh, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt có thành công không khi giá của taxi công nghệ rẻ hơn?
Không, chúng tôi nhắc lại rằng Taxi Group không kêu ca, cũng không kêu gọi khách hàng đến với mình chỉ đơn giản do đây là sản phẩm của người Việt Nam.
Trong nền kinh tế thị trường, quyền lợi, lợi ích của khách hàng mới là thứ cần đặt lên hàng đầu. Khách hàng cần phải được phục vụ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất. Chúng tôi sẽ làm như vậy. Giá của những người gọi taxi qua Taxi Group app của chúng tôi sẽ hợp lý hơn nhiều so với cả Uber, Grab hiện nay ở những giờ cao điểm, những lúc trời mưa hay vào ngày lễ, tết.
Taxi Group sẵn sàng phục vụ khách hàng ở mức giá hợp lý nhất vào những lúc họ khó gọi taxi nhất.
Hiện tại, Taxi Group chúng tôi đang duy trì nhiều chương trình khuyến mại lớn cho khách hàng. Một là, với khách hàng tải Taxi Group app và sử dụng lần đầu tiên sẽ nhận được mã giảm giá 50 nghìn đồng.
Hai là, khách hàng sử dụng Taxi Group app để đặt xe trong tháng sẽ được tặng 1 mã khuyến mại 25 nghìn đồng khi lũy kế tiêu dùng 250 nghìn đồng, được tặng tiếp 2 mã 25 nghìn khi đạt 500 nghìn đồng, tặng tiếp 3 mã 25 nghìn khi đạt 750 nghìn đồng và 4 mã 25 nghìn khi lũy kế tiêu dùng đạt 1 triệu đồng và còn rất nhiều chương trình hấp dẫn khác nữa.
Như vậy, khách hàng sử dụng Taxi Group app thường xuyên sẽ được giảm giá lên đến 25%, đây là mức ưu đãi vô cùng hấp dẫn Taxi Group muốn dành tặng khách hàng.
Ông có kiến nghị nào không với những người làm chính sách để cuộc cạnh tranh này diễn ra bình đẳng?
Thị trường đã mở quá nhanh cho các hãng taxi công nghệ vào Việt Nam. Giá như việc mở ấy diễn ra có lộ trình được báo trước, thì có lẽ chúng tôi đã có thời gian chuẩn bị nhiều hơn. Nhưng mọi việc đã diễn ra rồi.
Chúng tôi không đi xin bất kỳ một ưu đãi nào từ nhà nước, chỉ mong sau thời gian thực hiện thí điểm của các công ty taxi công nghệ (đến hết năm 2018), các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá để đưa ra cơ chế, chính sách bình đẳng để taxi truyền thống có thể cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ đến từ nước ngoài.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, thời gian các hãng taxi công nghệ được thí điểm thực tế là quá dài, cụ thể như trường hợp của Uber, phải đến ngày 10/4/2017, hãng này mới được Bộ GTVT cấp phép hoạt động thí điểm như báo chí đưa tin nhưng thực tế hãng này đã hoạt động ở Việt Nam từ năm 2014 và chiếm lĩnh phần lớn thị trường taxi hiện nay. Tại một số nước trên thế giới, sau một thời gian ngắn thí điểm ban đầu, Uber và Grab cũng như các hãng taxi công nghệ khác đã phải tuân thủ các điều kiện và quy định quản lý tương tự taxi trong nước sở tại.
Trong khi đó, taxi truyền thống ở Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều bất lợi so với taxi công nghệ . Ví dụ, nhiều tuyến đường bây giờ cấm taxi, khiến lái xe phải đi rất vòng vèo, tốn thêm tiền bạc và thời gian của khách hàng và doanh nghiệp trong khi các hãng taxi công nghệ thoải mái đi vào các đường đó. Một dẫn chứng khác khi taxi truyền thống chịu sự quản lý nghiêm ngặt về việc niêm yết, kê khai giá cước theo thông tư liên tịch số 152 /2014/TTLT-BTC-BGTVT thì các hãng taxi công nghệ chủ động thay đổi giá cước với biên độ lên tới mấy trăm phần trăm trong ngày như đã nói ở trên hay việc taxi truyền thống được yêu cầu lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị như đồng hồ tính tiền, máy in, GPS cũng như đóng đẩy đủ các loại thuế, phí và những chính sách cho người lao động, ở thị trường sân bay thì cần đóng phí cục cảng cũng như thực hiện xếp nốt luân phiên để đón khách, trong khi các hãng taxi công nghệ vẫn tự do đón khách mà không cần bất phải đóng loại phí này.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng Taxi Group sẽ cố gắng hết sức để tồn tại và đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 5000 lao động cũng như giữ được ngành nghề, thương hiệu taxi của Việt Nam mà chúng tôi đã tâm huyết theo đuổi hơn 20 năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận