Đại diện taxi truyền thống lo ngại, khi Grab thâu tóm xong Uber, nguy cơ độc quyền càng hiện hữu hơn |
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu vào thị trường Việt Nam, Uber và Grab gần như đã độc quyền. Hai đơn vị này liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng, các chương trình khuyến mại đều không đúng với tinh thần của Luật Cạnh tranh. Bản thân Uber hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 không có giấy phép, đến nay khi bán cho Grab họ có báo cáo với Cục Quản lý Cạnh tranh đâu?.
Theo ông Hùng, khi Grab thâu tóm xong Uber, nguy cơ độc quyền càng hiện hữu hơn. Khi Grab gần như đã một mình một ngựa, có thể dễ dàng định đoạt giá cước, định đoạt tỷ lệ phần trăm triết khấu của đối tác và tài xế. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng do chịu giá cước nhảy múa. "Cùng đó, việc Grab mua Uber sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Hàng chục nghìn lái xe Uber sẽ đi về đâu khi họ tham gia Grab phải chịu mức triết khấu cao hơn hiện nay", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, Hà Nội hiện có khoảng 60 doanh nghiệp taxi. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có App phần mềm của riêng mình. Tuy nhiên, nguyên nhân những App này chưa đủ sức cạnh tranh với Uber, Grab là do taxi truyền thống phải chịu nhiều điều kiện kinh doanh như: bảo hiểm, đăng kiểm, thuế khám sức khỏe cho lái xe nên không còn đủ sức khuyến mại cho khách hàng.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM cho rằng, chuyện Grab và Uber độc quyền đã có từ ngay khi họ vào thị trường Việt Nam mà không ai “thổi còi”. Họ thống lĩnh thị trường taxi công nghệ lên tới 70-80% với hàng chục nghìn đối tác lái xe trên cả nước. "Những hệ lụy do độc quyền ai sẽ là người giải quyết? Đây là câu hỏi chúng tôi muốn các cơ quan quản lý nhà nước trả lời", ông Hỷ nói.
Trong một diễn biến khác, ngay sau khi thương vụ Grab thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á được công bố, ngày 26/3, Uỷ ban quản lý cạnh tranh Singapore đã yêu cầu Grab, Uber gửi báo cáo, “làm rõ chi tiết” về thoả thuận mua lại giữa hai doanh nghiệp này. Đại diện Uỷ ban này cho hay, cơ quan này có quyền xem xét bất kỳ thương vụ sáp nhập hoặc mua lại nào có ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng không một nhà đầu tư nào thống trị thị trường, gây thiệt hại cho người dân, tài xế. Trường hợp chúng tôi nhận thấy việc sáp nhập có thể dẫn tới việc suy giảm cạnh tranh trên thị trường sẽ đưa ra những biện pháp tạm thời ngăn ngừa”, đại diện Uỷ ban cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ở góc độ taxi công nghệ, khi Grab thâu tóm Uber sẽ thống lĩnh thị trường. Trước đây, còn có hai doanh nghiệp nhưng nay chỉ còn mình Grab sẽ xảy ra tình trạng độc quyền. Việc độc quyền sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy, khách hàng không có sự lựa chọn. Lúc còn Uber, người dân có sự lựa chọn, so sánh giữa Uber và Grab, nhưng nay chỉ có mình Grab, hành khách muốn sử dụng taxi công nghệ phải chấp nhận giá do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận