Quản lý

Taxi và taxi công nghệ sẽ không phải gắn mào

11/11/2019, 18:39

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 cho phép taxi, taxi ứng dụng công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang.

img
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 bỏ quy định gắn hộp đèn đối với xe hợp đồng

Taxi có quyền lựa chọn

Bộ GTVT vừa công bố dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 với nhiều điểm mới, đặc biệt là việc nới lỏng các quy định về quản lý đối với xe taxi truyền thống, cũng như giúp kéo gần khoảng cách giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Quy định này sẽ không bắt buộc taxi truyền thống, taxi công nghệ và taxi có ứng dụng công nghệ phải bắt buộc gắn hộp đèn ghi chữ TAXI. Tuy nhiên, các xe phải có phù hiệu bằng chất liệu phản quang dán trên kính trước hoặc sau ghi dòng chữ XE TAXI nếu không gắn hộp đèn. Với hình thức này, chỉ khi khách hàng bước lên xe mới nhìn thấy chữ taxi này. Các loại vật liệu cũng như kích thước kèm theo cũng đều được quy định rõ ở dòng chữ này.

Bộ GTVT cho rằng, việc sửa đổi quy định như trên là hoàn toàn phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành (Luật GTDB 2008 không quy định bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn gắn cố định trên nóc xe), tham khảo thực tế một số nước trên thế giới cũng không bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn. Đồng thời, đảm bảo tiết kiệm chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; đồng thời đảm bảo bình đẳng giữa loại hình xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ; việc quản lý nhà nước đối với 2 loại hình nói trên sẽ được thực hiện bằng các công cụ nhận biết trực quan, qua thiết bị giám sát hành trình và bằng chính phần mềm của doanh nghiệp.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nhìn nhận, việc cho phép doanh nghiệp được chủ động lựa chọn giữa hình thức gắn hộp đèn và gắn phù hiệu là phù hợp với quy định của pháp luật cũng như xu hướng chung. Theo đó, các xe dù kinh doanh theo hình thức công nghệ, truyền thống hay kết hợp cả hai sẽ được giám sát, nhận biết tốt hơn. Đồng thời cũng giúp những tranh cãi về điều kiện kinh doanh của 2 hình thức gần giống nhau này thời gian qua được xoá bỏ.

“Quy định mới cũng giúp cho các xe taxi truyền thống linh động và chủ động hơn, có thể tự chuyển đổi thành xe công nghệ nếu biết áp dụng những công nghệ gọi xe. Ngược lại, với các xe taxi công nghệ, tài xế cũng không quá phiền hà khi phải gắn hộp đèn taxi. Chỉ khi hành khách bước lên xe mới biết đó là xe kinh doanh taxi. Nghị định sửa đổi về việc kinh doanh vận tải hứa hẹn mang đến nhiều tín hiệu tích cực, không chỉ giúp cơ quan quản lý làm tốt công việc của mình mà còn giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh cũng có nhiều lựa chọn và thay đổi hơn”, ông Liên nói.

Quản chặt từ gốc

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, xe hợp đồng điện tử không phải gắn hộp đèn trên nóc và giữ quy định gắn hộp đèn với xe taxi. Tuy nhiên, taxi có hai loại là taxi dùng bộ đàm và taxi dùng phần mềm tính tiền. Tiếp đó, Thủ tướng chỉ đạo xin ý kiến 5 Bộ về quy định này và các Bộ thống nhất chọn phương án xe taxi ứng dụng phần mềm được lựa chọn gắn hộp đèn hay không thì Bộ GTVT thống nhất và trình Thủ tướng phương án này.

Lý giải về lo ngại khi đó sẽ không có doanh nghiệp taxi nào gắn hộp đèn, ông Hùng cho rằng, hộp đèn đối với taxi chỉ phục vụ nhận diện cho đối tượng khách vẫy trên đường. Vì vậy, sẽ vẫn còn một bộ phận xe taxi gắn mào để phục vụ đối tượng khách này.

“Quy định lựa chọn gắn hộp đèn giúp taxi phục vụ linh hoạt hơn. Nếu quy định cứng xe taxi ứng dụng phần mềm không được gắn sẽ khó cho loại hình này vì khi đó nếu loại xe này mà gắn hộp đèn vào sẽ vi phạm thay đổi kết cấu xe, không được đăng kiểm. Việc gắn hộp đèn không còn ý nghĩa trong quản lý khi chúng ta đã quản lý được doanh nghiệp từ gốc”, ông Hùng nói.

Với lo ngại taxi truyền thống của Việt Nam sẽ biến mất khỏi thị trường khi các doanh nghiệp taxi sẽ không gắn hộp đèn chuyển hết sang xe hợp đồng, ông Hùng cho rằng, trong lịch sử vận tải đã từng xuất hiện vận tải bằng xe ngựa và đến nay cũng không còn. Hay đến nay, rất ít hộ gia đình dùng điện thoại cố định, tại sao phải giữ điện thoại “cục gạch” trong khi đã có điện thoại smatphone. Xã hội phát triển, khi thị trường không cần loại hình dịch vụ như xe gắn hộp đèn, còn dịch vụ gọi xe theo nhu cầu vẫn còn.

“Thành viên các HTX là các xã viên nên họ có thể kinh doanh với HTX hay trực tiếp với đối tác kinh doanh. Vấn đề là thuế thu được, giám sát được. Mô hình quản trị vận tải thay đổi trong điều kiện nền tảng kỹ thuật số là như vậy. Uber hay Grab là một công ty vận tải tổng hợp và thực tế đang làm theo mô hình này”, ông Hùng nói.

Nhìn nhận đối với giải pháp quản lý xe hợp đồng, ông Hùng cho biết, theo quy định tại định nghĩa về vận tải trong dự thảo Nghị định, các ứng dụng gọi xe như Grab sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải và là doanh nghiệp vận tải. Grab có thể ký hợp đồng dân sự với doanh nghiệp khác giúp mình thực hiện một công đoạn hay công việc nào đó nhưng Grab sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với phương tiện, chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về ATGT. Khi Nghị định ban hành, Grab hay ứng dụng nào khác sẽ phải cân nhắc về vấn đề quy mô doanh nghiệp để quản lý được con người, phương tiện.

Cũng theo ông Hùng, dự thảo Nghị định đã quy định các đơn vị cung cấp ứng dụng như Grab, Be, Go Viet chuyển dữ liệu hoạt động về cho cơ quan quản lý nhà nước về GTVT hay công an, cơ quan thuế. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ biết được xe đang ở đâu, doanh nghiệp đang hoạt động thế nào.

“Hiện, Grab đã có các App cho lái xe, hành khách, quản lý nội bộ, chỉ cần yêu cầu thêm App cho cơ quan quản lý nhà nước. Những thông tin nhà nước yêu cầu được chuyển sang App này, thậm chí cơ quan quản lý có thể yêu cầu những thông tin của lái xe. Hay khi cơ quan quản lý đã gửi thông tin các tuyến phố cấm cho các doanh nghiệp, khi đó, tự họ sẽ phải cảnh báo cho lái xe. Lực lượng CSGT qua app này có thể biết nay xung quanh khu vực tuần tra kiểm soát có bao nhiêu xe của Grab, của Be hay Go Viet, xe nào đang vi phạm để xử phạt”, ông Hùng gợi ý.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội:
Cần có màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải

Việc gắn hộp đèn nóc sẽ xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi. Đồng thời, phân biệt với xe cá nhân, làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Về lâu dài cần có màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải. Bảng chữ Xe hợp đồng cần dán khổ lớn, chất liệu phản quang, dán 1 lần với kích thước 12 x 30cm kết hợp với tem đăng kiểm xe cơ giới có màu riêng biệt và niêm yết biểu trưng thông tin của đơn vị vận tải ở hai bên cánh cửa trước của xe với kích thước phù hợp. Đi cùng đó, những biện pháp nhận diện trên cần quy định cụ thể về tính chất, kích thước, đồng thời trong Nghị định này hoặc trong một văn bản liên quan cũng cần mức xử phạt hợp lý với những hành vi vi phạm quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.