Nút giao QL5 với cầu Thanh Trì được Tổng công ty Thăng Long hoàn thành trong năm 2015 vượt tiến độ 6 tháng, đảm bảo chất lượng công trình. |
Tổng công ty (TCT) Thăng Long - doanh nghiệp (DN) uy tín hàng đầu trong lĩnh vực thi công các công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang có những chuyển biến lớn về cơ cấu sở hữu, thị trường, ngành nghề kinh doanh, mô hình quản trị DN.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc TCT Thăng Long đã có cuộc trao đổi với Báo Giao thông về thời cơ và định hướng phát triển của TCT trong thời kỳ mới.
Những dấu ấn đậm nét sau cổ phần hóa
Là một trong những DN xây dựng cơ bản lớn nhất của ngành GTVT đi đầu trong công tác cổ phần hóa, chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, điều đó tác động thế nào đối với TCT Thăng Long, thưa ông?
Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, cổ phần hóa là xu hướng chung và là đòi hỏi tất yếu của các DN Nhà nước trực thuộc Bộ GTVT chứ không chỉ riêng TCT Thăng Long. Đối với chúng tôi, ngay từ khi có chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT, TCT đã tiên phong thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa DN.
Từ một DN 100% vốn Nhà nước, TCT Thăng Long đã chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2014, điều đó tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi mở rộng thị trường và tiếp cận được với các dự án quy mô lớn sử dụng vốn vay của các tổ chức nước ngoài như: ADB, WB, JICA,… điều mà trước đây TCT không thể làm được do các điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý của nhà tài trợ.
Đặc biệt, thông qua quá trình CPH đã tạo cơ chế quản lý năng động và hiệu quả để TCT nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường, đồng thời, phát huy được quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh và vai trò làm chủ thực sự của các nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm quyền lợi tối đa cho cổ đông và người lao động.
Một điều quan trọng nữa tôi muốn chia sẻ đó là tại TCT Thăng Long, phần lớn người lao động là các cổ đông, những người đồng chủ sở hữu của DN, do vậy bằng việc minh bạch trong hoạt động tài chính và gắn kết lợi ích của người lao động với hiệu quả công việc đã tạo động lực rất lớn để cán bộ, công nhân viên nỗ lực làm việc đạt hiệu quả cao nhất.
Ông có thể nói rõ hơn về những sự thay đổi này?
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 là minh chứng rõ nét nhất khi TCT đã hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra. Các dự án hạ tầng giao thông do TCT đảm nhiệm thi công đều hoàn thành và bàn giao vượt tiến độ yêu cầu của chủ đầu tư với chất lượng công trình được đảm bảo. Doanh thu của TCT vượt kế hoạch đề ra, đời sống của CB, CNV được nâng cao với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng,…
Với bề dày truyền thống, TCT Thăng Long đã đạt những thành công rất lớn, đặc biệt là DN có đội ngũ CBCNV, NLĐ lành nghề trong lĩnh vực thi công các dự án kết cấu hạ tầng giao thông. Sau hơn 42 năm xây dựng và phát triển, TCT Thăng Long đã xây dựng được hơn 1.000 công trình lớn nhỏ trên 47 tỉnh, thành trên cả nước, đồng thời, chúng tôi cũng đã thi công nhiều công trình, dự án lớn trên nước bạn Lào. Đây chính là những điểm tựa lớn nhất để TCT Thăng Long tiếp tục xây dựng thương hiệu, uy tín và khẳng định vị thế trong thời kỳ mới. Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc TCT Thăng Long |
Sau cổ phần hóa, TCT đã khẩn trương sắp xếp lại tổ chức, đổi mới về phương thức quản trị DN. Sau khi rà soát, phân loại lao động đã kiên quyết tinh giản tối đa bộ máy gián tiếp tại cơ quan và các ban điều hành dự án. Đồng thời, chúng tôi tiến hành thuê tư vấn xây dựng chiến lược, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo để nâng cao năng lực, kỹ năng mềm.
Với các cán bộ lãnh đạo từ cấp trung trở lên, TCT đã tổ chức đánh giá năng lực để có kế hoạch bố trí, sắp xếp cho phù hợp. Lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác của người lao động được gắn liền với mức đóng góp của từng cá nhân vào kết quả của phòng, ban và kết quả sản xuất kinh doanh của TCT. Từ tháng 10/2015, TCT đã bắt đầu trả lương theo phương án này và bước đầu đã khuyến khích, động viên CB, CNV nâng cao năng lực và hiệu quả làm việc, góp phần hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2015.
Khẳng định vị thế từ chất lượng các công trình
Trên cương vị là Tổng giám đốc - người “đứng mũi chịu sào” của DN có quy mô lớn như vậy, bản thân ông chắc hẳn phải chịu rất nhiều áp lực?
Trong lĩnh vực kinh doanh, DN có quy mô càng lớn thì áp lực dành cho những người “đứng mũi chịu sào” càng nhiều. Đối với TCT Thăng Long, đơn vị có bề dày truyền thống hơn 42 năm đã để lại nhiều dấu ấn và khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông, thì việc phải đối mặt với những áp lực trong công việc là một đặc thù của những người làm công tác quản lý chứ chẳng phải riêng gì ai.
Ông Nguyễn Đức Kiên. |
Với cá nhân tôi, áp lực công việc từ lâu đã là một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhưng bằng kinh nghiệm của cá nhân đã đảm đương nhiều nhiệm vụ, có thể nói rằng, áp lực từ công việc nhiều khi lại rất cần thiết, bởi đó chính là động lực để tôi đưa ra những ý tưởng bất ngờ, những hành động quyết đoán để đưa DN tiếp tục phát triển.
Trong bối cảnh thị trường xây dựng cơ bản giao thông ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các DN, TCT Thăng Long sẽ đưa ra chiến lược thế nào để tiếp tục duy trì thương hiệu và vị thế của một trong những nhà thầu uy tín nhất Việt Nam, thưa ông?
Chiến lược của chúng tôi trong thời gian tới được xây dựng trên nền tảng cốt lõi của thương hiệu TCT Xây dựng Thăng Long cùng với sự tư vấn chuyên nghiệp của L&A. Để hiện thực hóa điều này, TCT đang từng bước hướng đến mục tiêu tạo ra những sản phẩm tốt nhất và khác biệt nhằm tạo ra sự cạnh tranh vượt trội trên thị trường. Trước mắt, TCT tập trung vào việc cơ cấu hệ thống quản trị tiên tiến, siết chặt công tác quản lý chất lượng, đặc biệt là công tác đào tạo nhân sự từ cán bộ quản lý đến nhân viên và người lao động.
Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh của thị trường xây dựng cơ bản giao thông ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn. Các DN tham gia vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng nhiều trong khi nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA lại ngày càng hạn hẹp. Nhận thức được vấn đề này, TCT đã nhanh chóng tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới để áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tư duy đổi mới DN đã được Hội đồng quản trị quán triệt rất rõ ràng đó là xây dựng thương hiệu của TCT Thăng Long phải được khẳng định từ chất lượng của các công trình. Trong những tháng cuối năm 2015, TCT đã được nhận chứng chỉ ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007. Để đạt được những kết quả này, TCT đã thực hiện đúng cam kết trong việc cung cấp sản phẩm đạt chất lượng, có trách nhiệm đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động, đối tác, khách hàng và cộng đồng.
Đây có thể nói là bước khởi đầu trong việc áp dụng các quy trình của hệ thống tích hợp quản lý chất lượng, hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong công tác vận hành của TCT. Đồng thời, TCT cũng đã nhận thức được việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của DN ngay tại chính các công trường do mình thi công cũng là một cách để ghi dấu ấn của TCT Thăng Long trong con mắt của các nhà đầu tư, khách hàng, DN.
Chúng tôi hy vọng rằng, với việc thực hiện công tác chất lượng và công tác thương hiệu một cách bài bản, TCT Thăng Long sẽ từng bước chiếm lĩnh lại thị trường trong nước, lấy lại vị thế của một đơn vị lớn có uy tín bậc nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông tại Việt Nam.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận