Tế bào gốc máu cuống rốn đã được dùng để điều trị khoảng trên 70 loại bệnh |
Thắp hy vọng sống từ máu cuống rốn cộng đồng
Tháng 3 vừa qua, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã công bố ca ghép tế bào gốc đầu tiên từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh (28 tuổi ở Quảng Bình). Bệnh nhân Linh được chẩn đoán bị lơxêmi cấp dòng tủy từ tháng 9/2014, thuộc nhóm tiên lượng xấu nên yêu cầu điều trị ghép tế bào gốc là phương án tối ưu để cứu mạng sống. Với dự kiến lấy mẫu tế bào gốc của người em trai ruột nhưng lại không phù hợp HLA với Linh. Điều kỳ diệu là thời điểm ghép cho Linh, trong 450 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang được lưu trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, các bác sỹ tìm được ba mẫu phù hợp với Linh. Ca ghép thành công và Linh được xuất viện trong niềm vui tột cùng của cả đội ngũ y, bác sỹ và đặc biệt là người thân trong gia đình, khi đã giành lại cơ hội sống vốn tưởng đã vuột khỏi tầm tay.
Hiện nay, mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư chỉ có thể xử lý 4 - 6 mẫu máu cuống rốn/ngày. Sau hơn một năm thành lập, đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Tế bào gốc của Viện hiện lưu trữ gần 1.300 mẫu tế bào gốc từ máu dây rốn do các sản phụ tự nguyện hiến tặng. |
Theo GS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, đây là lần đầu tiên ghép điều trị cho bệnh nhân ung thư máu ở người lớn và lấy tế bào gốc từ máu dây rốn được lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc cộng đồng. Sau trường hợp của Linh, đã có thêm nhiều bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công từ nguồn lưu trữ này.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, TS. BS. Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho hay, việc chỉ định ghép tế bào gốc được coi là phương pháp tối ưu mang lại cơ hội sống cho người bệnh. Hiện nay, có ba nguồn lấy tế bào gốc đó là tế bào gốc máu ngoại vi, tủy và máu dây rốn và có các biện pháp ghép tế bào gốc tự thân (của chính bệnh nhân), tế bào gốc đồng loại (của người hiến) và tế bào gốc từ máu cuống rốn.
Đến nay, tế bào gốc máu cuống rốn đã được dùng để điều trị khoảng trên 70 loại bệnh, trong đó có nhiều loại bệnh lý của hệ tạo máu, những bệnh lý rối loạn miễn dịch di truyền, như: Ung thư máu, u tủy, suy tủy, U lympho, huyết tán, Thalassemia, bệnh tiểu cầu, ly thượng bì… Bên cạnh đó, so với hai nguồn lấy tế bào gốc kia thì việc xử lý và lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn có nhiều ưu điểm như: Dễ thu hoạch, không ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và con và có thể lưu trữ lâu dài (18 - 20 năm) để sử dụng điều trị cho chính người có cuống rốn ấy hoặc người thân trong gia đình họ hoặc cho người khác nếu phù hợp.
Tỷ lệ phù hợp ghép với người bệnh đạt 97,8%
Theo bác sỹ Ngọc Quế, tại Việt Nam, nhiều năm nay đã có nhiều nơi thực hiện việc lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mục đích cá nhân và với chi phí rất cao. Trong khi đó, nguồn dây rốn ngoài cộng đồng lại rất nhiều và bị bỏ phí thành “rác thải y tế”. “Việc huy động hiến cuống dây rốn từ các sản phụ để tinh chiết tế bào gốc, hình thành ngân hàng tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng sẽ đem lại hy vọng kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Bởi tỷ lệ phù hợp ghép với người bệnh đạt tới 97,8%. Bên cạnh đó, để điều trị các bệnh về máu, theo phương pháp truyền thống, phải tiến hành ghép tủy, huy động máu ngoại vi từ những người khỏe mạnh, uống thuốc tăng cường, kích thích tủy hoạt động. Bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn. Hơn nữa, điều khó khăn nhất là phải tìm được tủy ghép phù hợp, độ tương thích phải ở mức tuyệt đối 6/6. Trong khi đó, việc cấy ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn chỉ cần độ tương thích 4/6 - tương đương tỷ lệ 80%”, bác sỹ Quế khẳng định.
Từ tháng 4/2014, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã ký kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu thập máu dây rốn trong cộng đồng. Để tham gia hiến máu cuống rốn, các thai phụ phải đảm bảo các yếu tố như không mắc các bệnh di truyền, khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng, nhau thai phải có thể tích trên 80ml (thì số lượng tế bào gốc trong đó cao). Các mẫu cuống rốn sau khi thu thập sẽ được làm các xét nghiệm cơ bản rồi được tiếp tục xử lý, tách chiết và lưu trữ đông lạnh ở nhiệt độ -196OC. Các mẫu được đưa vào lưu trữ đều được thông báo với bà mẹ để sau này, nếu cần dùng, người hiến có thể liên hệ với ngân hàng tế bào gốc.
Theo bác sỹ Quế, quyền lợi của các bà mẹ tham gia chương trình này là nhận được kết quả xét nghiệm các chỉ số máu miễn phí, với những trường hợp phát hiện bệnh từ kết quả này sẽ được bệnh viện tư vấn điều trị. Đồng thời, sẽ được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng nguồn tế bào gốc từ ngân hàng cộng đồng này với mức phí tối thiểu (gồm các chi phí kỹ thuật); trong trường hợp tế bào gốc của chính người hiến đã được sử dụng hết, trung tâm sẽ lấy tế bào gốc khác có chỉ số phù hợp nhất để ghép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận