Tài chính

Techcombank ghi nhận 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế

24/04/2022, 10:03

Nhờ những đầu tư vào số hóa, dữ liệu và nhân tài, Techcombank ghi nhận lợi nhuận "khủng" trước thuế.

Ngân hàng TCMP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2022 (ĐHĐCĐ), thông qua các nghị quyết, bao gồm kế hoạch Kinh doanh năm 2022.

2021 là năm đầy thách thức do làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 lan rộng khắp cả nước, tác động mạnh mẽ tới kinh tế và xã hội. Trong giai đoạn này, Techcombank cung cấp các dịch vụ ngân hàng an toàn và tiện lợi tới các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

img

Trong năm 2021, Techcombank tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số

Nhờ các khoản đầu tư từ trước vào công nghệ và hạ tầng số hóa, ngân hàng duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng tài chính xuyên suốt thời gian giãn cách kéo dài. Đồng thời, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho cán bộ nhân viên.

Để hỗ trợ các khách hàng trong thời gian đại dịch, Techcombank còn mở rộng gói hỗ trợ Covid-19, tiến hành cơ cấu gần 11,8 nghìn tỷ đồng dư nợ trong năm 2020 và 2021, cũng như miễn giảm 540 tỷ đồng lãi suất.

Nhờ đó, nhiều khách hàng gặp khó khăn bởi đại dịch đã có thể thu xếp việc trả nợ, giúp giảm mạnh tổng dư nợ tái cơ cấu xuống 1,9 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 (tương đương 0,5% tổng dư nợ).

Cùng đó, ngân hàng này còn đóng góp khoảng 400 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, bao gồm ủng hộ quỹ vắc xin, xây dựng bệnh viện, trang thiết bị y tế và các khoản hỗ trợ trực tiếp khác cho người bệnh và gia đình của họ.

Các khoản đầu tư vào số hóa và dữ liệu, cùng cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất tới khách hàng, đã giúp Techcombank đạt được kết quả tài chính vững chắc. Năm 2021, ngân hàng ghi nhận 37,1 nghìn tỷ đồng tổng thu nhập (TOI), tăng 35,4% so với 2020, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ từ thu nhập lãi (NII) và thu nhập hoạt động dịch vụ (NFI).

Techcombank còn là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” năm 2021, với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Techcombank cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận trong giai đoạn 2016-2021 với mức kỷ lục 50,0%/năm.

img

Bất chấp đại dịch, tổng sản của Techcombank tăng trưởng 29,4%

Trong năm 2021, tổng sản của Techcombank tăng trưởng 29,4% lên 568,7 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu ngành về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,7%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,5% vào cuối 2021. Đây cũng là một kỷ lục khác trong toàn ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Đồng thời, Techcombank ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn (CAR) 15,0%, tỷ lệ nợ xấu (NPL) 0,7%, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLC) là 162,9%, qua đó phản ánh việc quản lý rủi ro thận trọng.

Các cổ đông của Techcombank đồng thuận cao với kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận để đầu tư vào số hóa, dữ liệu và nhân tài, hỗ trợ đà tăng trưởng của Ngân hàng như đã đề ra trong chiến lược 2021-2025.

Ban lãnh đạo Techcombank cũng tự tin vào vị thế mà ngân hàng đang có để có đi đầu, cùng khách hàng tham gia sâu rộng vào sự phục hồi kinh tế khi Việt Nam dần thoát khỏi đại dịch.

Năm 2022, Ngân hàng đặt kế hoạch LNTT 27 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021. Tín dụng1 của Ngân hàng dự kiến tăng 15,0% lên 446,6 nghìn tỷ đồng hoặc cao hơn. Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế khi ngân hàng tiếp tục phát huy thế mạnh từ việc tối ưu hóa việc quản lý tài sản nợ - có (ALM). Techcombank có kế hoạch duy trì nợ xấu dưới 1,5%.

Ngân hàng cũng báo cáo việc tăng vốn điều lệ lên 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,18%, với kế hoạch phát hành 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho CBNV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.