Tên lửa hành trình siêu thanh CX-1 được trưng bày trong triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế tại Chu Hải |
Tại Triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Trung Quốc lần thứ 10 diễn ra tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông từ 11-16/11/2014, TQ đã cho trưng bày và giới thiệu một loại tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới mang tên Chaoxun-1 hay còn được biết đến với ký hiệu CX-1, báo chí Đài Loan đưa tin.
Theo Giáo dục Việt Nam, tên lửa hành trình siêu thanh CX-1 là sản phẩm của Tập đoàn công nghệ khoa học vũ trụ Trung Quốc (China Aerospace Science and Technology Corporation). Truyền thông nước này cũng so sánh tên lửa CX-1 với phiên bản tên lửa siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác chế tạo.
Wang Hongpo - chủ nghiệm thiết kế tên lửa hành trình CX-1 của Trung Quốc cho biết vũ khí này có tầm bắn 280 km, có thể đạt tốc độ 3 Mach, có khả năng đánh chìm 1 chiến hạm cỡ lớn của đối phương.
Cũng giống như tính năng của một số loại tên lửa hành trình của quân đội Mỹ, truyền thông TQ cho biết khi còn cách mục tiêu 10km, tên lửa CX-1 sẽ hạ độ cao xuống chỉ còn cách mặt nước 10m trước khi lao vào mục tiêu. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp tên lửa rất khó bị đánh chặn.
Sau khi siêu tên lửa hành trình của Trung Quốc CX-1 được trưng bày tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Chu Hải, giới quân sự Ấn Độ đã dấy lên nghi ngờ rằng, nó là sản phẩm sao chép từ tên lửa BrahMos do liên danh Ấn Độ - Nga phát triển. Trước những nghi vấn này, Bắc Kinh đã lên tiếng khẳng định rằng, CX-1 là “bản gốc” của Trung Quốc thậm chí còn mạnh hơn BrahMos của Ấn Độ.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định, những nghi vấn là có căn cứ, đặc biệt là hình dáng, kích thước cũng như tính năng về tốc độ, tầm bắn và phạm vi tiêu diệt mục tiêu của tên lửa siêu thanh CX-1 được Trung Quốc quảng bá, theo Tiền phong.
Ấn Độ nghi ngờ CX-1 là một sản phẩm sao chép công nghệ tên lửa siêu thanh BrahMos |
Wang Hongpo tiết lộ rằng Tập đoàn công nghệ khoa học vũ trụ Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với cáo buộc rằng liệu công nghệ để chế tạo tên lửa CX-1 có phải là sản phẩm ăn trộm từ tên lửa siêu thanh BrahMos hay không.
Nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Wang Hongpo thừa nhận rằng tên lửa CX-1 có nhiều điểm tương đồng với tên lửa BrahMos, tuy nhiên, chuyên gia thiết kế tên lửa này khẳng định CX-1 là một thiết kế hoàn toàn mới với hai cánh, điều khiển khí động học và phần đuôi của CX-1 hoàn toàn khác BrahMos.
Theo ông Wang, do sự hạn chế của công nghệ, cả tên lửa hành trình CX-1 và BrahMos không thể vượt quá 300 km nên cả hai có nhiều điểm tương đồng.
Tuy nhiên, theo mạng quân sự Sina, CX-1 có nhiều điểm nổi trội hơn BrahMos của Ấn Độ. Nó có khả năng bay nhanh hơn, có thể đạt tốc độ Mach 3 ở độ cao 17.000m, trong khi đó, tên lửa BrahMos chỉ có thể đạt Mach 2.6 ở độ cao 14.000m.
Bên cạnh đó, khi tấn công mục tiêu ở độ cao thấp, tốc độ mà CX-1 đạt được là Mach 2.3, trong khi đó, BrahMos với thiết kế từ P-800 Oniks của Nga chỉ có thể đạt tốc độ Mach 2.
Mạng quân sự Sina tiếp tục cho rằng, động cơ ramjet của CX-1 có thể tốt hơn so với các động cơ đẩy nhiên liệu rắn của P-800. Tuy nhiên, CX-1 chỉ có thể tấn công trong phạm vi 40km ở quỹ đạo thấp, còn P-800 của Nga có thể trong phạm vi 120km, theo An ninh thủ đô.
Theo trang tin quân sự Vpk, sự xuất hiện của tên lửa hành trình siêu âm CX-1 nhằm chứng minh cho các khách hàng thấy tiềm năng và kỹ thuật ngày càng phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Và theo nguồn tin của tờ Thời báo Hoàn Cầu, hiện trong quân đội Trung Quốc đã biên chế và đang sử dụng khoảng từ 3.000 đến 4.000 quả tên lửa siêu thanh loại này.
Trang tin quân sự Vpk ngày 17/11 dẫn lời đại diện Liên doanh các doanh nghiệp nhà nước liên bang Nga (NPO) khẳng định, nghi vấn của Ấn Độ về việc “Nga chuyển giao công nghệ tên lửa siêu thanh BrahMos cho Trung Quốc phát triển CX-1” là vô căn cứ.
“Tên lửa CX-1 đúng là rất giống BrahMos và có những đặc điểm tương tự như các sản phẩm của chúng tôi, chẳng hạn như tốc độ bắn, phạm vi tiêu diệt mục tiêu… Nhưng những yếu tố đó không đủ để nghi ngờ chúng tôi bán công nghệ cho Trung Quốc”, đại diện NPO cho biết.
Đại diện NPO cũng cho rằng, trước đây Trung Quốc đã từng mua của Nga Tổ hợp tên lửa đối hạm P-270 Mosquito, và “rất có thể, CX-1 được phát triển dựa theo công nghệ của P-270 Mosquito”.
Mậu Ngọ (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận