Tờ Japan Times đưa tin, cuối tuần qua, Triều Tiên – quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân, đã công bố một loại tên lửa đạn đạo khổng lồ mới mà một số nhà phân tích tin rằng có thể mang đủ đầu đạn để áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Nhưng liệu “vũ khí chiến lược mới” này, như Triều Tiên đã tuyên bố về nó, có phải chỉ là một động thái chính trị nhằm tăng đòn bẩy của Bình Nhưỡng với Washington sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới?
Diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bế tắc giữa hai nước, việc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới tại cuộc duyệt binh hôm thứ Bảy cuối tuần trước nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Công nhân cầm quyền của Triều Tiên theo một mô hình mà trang báo của Nhật cho là “đã được Bình Nhưỡng thử nghiệm trong thời gian qua nhằm đoạt thế thượng phong trong các cuộc đàm phán”.
Nhưng, ông Andrew O'Neil, một chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư tại Đại học Griffith ở Australia, nói rằng trong khi phô diễn vũ khí chắc chắn là "một tuyên bố mang tính biểu tượng được thiết kế để làm rung chuyển niềm tin của Hoa Kỳ - nước đang tiến gần với một cuộc bầu cử và có khả năng tăng áp lực để Mỹ xem xét lại các biện pháp trừng phạt ”.
Vị chuyên gia này cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đang tìm kiếm “một thỏa thuận thực sự ” khi nói đến tên lửa mới và việc chế tạo vũ khí hạt nhân của ông ấy.
Đoạn video ghi lại trước cuộc duyệt binh vào ban đêm cho thấy vũ khí - được các chuyên gia cho là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng lớn nhất thế giới - được chở qua Quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng trên một phương tiện vận tải có 22 bánh, lớn hơn bất cứ thứ gì mà Triều Tiên phô diễn trước đây.
Các nhà phân tích có “đôi mắt đại bàng” nhanh chóng chỉ ra rằng tên lửa mới, vũ khí cuối cùng được trình diễn trong cuộc duyệt binh vào ban đêm hiếm hoi, rất có thể được thiết kế để mang nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV).
“Chúng tôi biết rằng một số tên lửa mới có thể khó xử lý nếu sử dụng các công cụ thông thường của chúng tôi. Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không toàn diện để có thể đối phó với các mối đe dọa ngày càng đa dạng và phức tạp ” - Chánh văn phòng Nội các Nhật Katsunobu Kato cho biết tại một cuộc họp báo ngay sau khi chính quyền Tokyo nắm được thông tin về vũ khí mới của Bình Nhưỡng.
Ông Kato nhấn mạnh thêm rằng: “Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các nước khác để thu thập và phân tích thông tin về vấn đề này và duy trì các nỗ lực giám sát tối đa.
Nhật Bản hiện đang tiến hành xem xét chính sách an ninh quốc gia của mình sau khi hủy bỏ kế hoạch vào tháng 6 trong đó dự định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore do Mỹ sản xuất, sau khi một vấn đề kỹ thuật được cho là quá tốn kém để khắc phục được phát hiện.
Nhật Bản đang xem xét ba kế hoạch trên biển thay cho hệ thống trên bộ, nhằm bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược của Australia, cho biết: “Rõ ràng, Triều Tiên đang suy nghĩ về cách chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Việc trang bị các đầu đạn và thiết bị hỗ trợ thâm nhập như vậy luôn rẻ hơn so với việc Hoa Kỳ bổ sung các tên lửa đánh chặn”.
Các chuyên gia cho rằng một tên lửa ICBM với 3 đến 4 đầu đạn có thể khiến Mỹ phải chi khoảng 1 tỷ USD cho 12 đến 16 tên lửa đánh chặn để chống lại mỗi tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên.
Chuyên gia O’Neil gọi viễn cảnh về một ICBM lớn hơn của Triều Tiên với nhiều đầu đạn hơn là “tin xấu” đối với Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.
Ông O’Neil nói: “Số lượng mục tiêu mà Triều Tiên có thể tấn công vào lục địa Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân càng nhiều, thì các nhà lập kế hoạch của Mỹ càng miễn cưỡng trong việc chống lại sự cưỡng ép của Triều Tiên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Mặc dù không rõ tên lửa được Triều Tiên vừa phô diễn trên thực tế là vũ khí thực tế hay mô phỏng, như Bình Nhưỡng đã trưng bày trong quá khứ tại các cuộc duyệt binh, các chuyên gia khuyên không nên đánh giá thấp khả năng của Bình Nhưỡng, bao gồm cả tên lửa mới.
Ông O’Neil nói: “Điều quan trọng cần nhớ là nhiều nhà quan sát trong quá khứ đã giảm năng lực của Bình Nhưỡng trong việc nâng cao tầm bắn và khả năng tải trọng của lực lượng tên lửa, chỉ được chứng minh là sai khi Triều Tiên thử nghiệm thành công các hệ thống mới”.
Ông nói thêm: “Chúng ta thường quên rằng Triều Tiên có một trong những chương trình tên lửa phức tạp nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Cuộc duyệt binh mới nhất lần đầu tiên giới thiệu vũ khí mạnh nhất của Triều Tiên kể từ khi căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington hạ nhiệt vào năm 2018, cũng chứng kiến ông Kim Jong Un có bài phát biểu dài 25 phút, chủ yếu tập trung hướng vào dư luận ở trong nước.
Tuy nhiên, ông Kim Jong Un đã đưa ra một gợi ý về những gì có thể có cho Washington và các đồng minh của nó ở Tokyo và Seoul sau cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 ở Hoa Kỳ”.
Trong bài phát biểu, ông Kim tuyên bố sẽ củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, nói rằng “khả năng quân sự của Triều Tiên đang thay đổi theo tốc độ phát triển cũng như chất lượng và số lượng”.
“Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh răn đe chiến tranh… để ngăn chặn và kiểm soát tất cả các nỗ lực và hành vi đe dọa nguy hiểm của các thế lực thù địch, bao gồm cả mối đe dọa hạt nhân đang kéo dài và ngày càng trầm trọng của chúng” – ông Kim Jong Un nói và nhấn mạnh thêm rằng “vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ bị lạm dụng hoặc được sử dụng như một phương tiện để tấn công phủ đầu. ”
“Nhưng, nếu có bất kỳ thế lực nào xâm phạm an ninh của quốc gia của Triều Tiên và cố gắng sử dụng vũ lực quân sự chống lại chúng tôi, Triều Tiên sẽ tranh thủ tất cả sức mạnh tấn công mạnh mẽ nhất để trừng phạt chúng,” – ông Kim tuyên bố.
Nhà Trắng coi động thái này là một bước lùi khác cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người hiện đang đối mặt với một cuộc cạnh tranh khó khăn để tái đắc cử trước cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đã từng ca ngợi các cuộc đàm phán với Triều Tiên là một bước đột phá quan trọng.
Tuy nhiên, hai bên đã không thực hiện được một thỏa thuận mơ hồ trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên lịch sử của họ ở Singapore vào năm 2018, vẫn còn mâu thuẫn về biện pháp trừng phạt và kế hoạch chính xác để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ tiến hành như thế nào.
“Thật đáng thất vọng khi thấy CHDCND Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm”, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nói với tờ Japan Times với điều kiện giấu tên.
“Hoa Kỳ vẫn được hướng dẫn bởi tầm nhìn mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã đặt ra ở Singapore và kêu gọi CHDCND Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán bền vững và thực chất để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, quan chức này nói thêm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tin rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí của mình và Bình Nhưỡng được cho là đã thúc đẩy việc phát triển kho vũ khí của mình trong suốt các cuộc đàm phán hạt nhân.
Vào tháng Giêng đầu năm nay, ông Kim Jong Un tuyên bố rằng đất nước của ông không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm tự áp đặt đối với các vụ thử hạt nhân và ICBM.
Với suy nghĩ này, một số nhà quan sát tin rằng ông Kim có thể đã sử dụng vụ phóng tên lửa hôm thứ Bảy tuần trước để đặt nền tảng cho việc quay trở lại các vụ phóng thực tế trong tương lai gần, nhằm thử thách nhà lãnh đạo tiếp theo của Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy đang gửi một thông điệp tới cả Trump và Biden - rằng Triều Tiên sẽ vẫn là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đồng thời, Triều Tiên hàm ý rằng tên lửa mới này sẽ là một cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể xuất hiện cho bất kỳ ai ở Phòng Bầu dục sau ngày 20 tháng 1” - Ông Davis nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận