Thị trường

Tết đẩy CPI tháng 2 tăng vọt

24/02/2016, 14:53

CPI tháng 2 tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước.

Tet-day-CPI-thang-hai-tang-vot
Nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết đã đẩy CPI tăng mạnh. Ảnh minhh hoạ

Tháng 2 cũng được ghi nhận là tháng có mức tăng CPI cao nhất kể từ tháng 2 năm 2015.

Như vậy, sau hai tháng đầu năm, CPI đã tăng 0,42%.

Trong số 8 nhóm tăng giá tháng này, có mức tăng lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98%. Tiếp đến là đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,26%..

Tháng này, 3 nhóm hàng giảm giá là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,41%, giao thông giảm 3,96%, bưu chính viễn thông giảm 0,16%.

Theo Tổng cục thống kê, tháng 2 là tháng Tết nên giá một số mặt hàng phục vụ Tết đều tăng giá. Do nhu cầu tiêu dung của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán đã đẩy chỉ số giá nhóm lương thực tăng tới 0,66%. Bên cạnh đó là hoạt động thu gom lúa gạo xuất khẩu sang Indonesia và Philippine.

CPI thang 2

Diễn biến CPI qua các tháng. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cũng do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết đẩy giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao ở các mặt hàng như thịt lợn tăng 2,01%, giá thịt bò tăng 3,22%; giá thịt gà tăng 2,46%...

Đặc biệt, giá rau tươi, rau khô và rau chế biến tăng 7,1% do ảnh hưởng của thời tiết. Giá lương thực, thực phẩm tăng cộng với nhu cầu du xuân đã ảnh hưởng đến giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình.

Ở nhóm góp phần kiềm chế CPI trong tháng Tết phải kể đến nhóm giao thông do giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào các ngày 19/1 và ngày 3/2 với mức giảm giá xăng tổng cộng 1.320 đồng/lít; giá dầu diezel giảm 1.530 đồng/lít, góp phần đưa chỉ số giá xăng dầu giảm 9,29% so với tháng trước.

Tháng này, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá CPI là vàng và đô-la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều với lần lượt các mức tăng 3,02% và giảm 0,64% so với tháng trước.

Dự báo CPI tháng 3, Tổng cục Thống kê nhận định CPI có khả năng sẽ tăng cao hơn mức tăng của tháng 2 do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/3 áp dụng cho 63 tỉnh thành TƯ.

Tuy nhiên, có 2 yếu tố góp phần cho CPI giảm là giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm và giá lương thực thực phẩm cũng có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.