Người Hà Nhì ở Điện Biên quan niệm tết là ngày say nhất trong năm |
Cán bộ xã làm cỗ mời dân
Những ngày cuối năm, từ Hà Nội men theo quốc lộ 6 lên Tây Bắc với những dốc cao, vực sâu hiểm trở, phải mất hơn nửa ngày chạy xe máy, chúng tôi mới đến đỉnh núi Khoang La San (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), nơi những người Hà Nhì sinh sống.
Bất chấp tiết trời mưa phùn se lạnh, người người, nhà nhà vẫn nô nức mổ lợn, làm bánh dày, nấu cơm đón Tết, không khí rộn ràng, tiếng cười giòn tan vang khắp núi rừng.
Tại trung tâm UBND xã Sín Thầu, các cán bộ xã đang tất bật làm thịt bò đãi dân bản và khách thập phương. Ông Pờ Dần Sinh, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu vui vẻ cho biết, đầu giờ chiều, mấy cán bộ xã đã kéo nhau lên tận thảo nguyên Tá Miếu để chọn con bò to nhất, đẹp nhất rồi dắt về làm thịt.
“Ở đây, tất cả các công đoạn từ mổ thịt đến chế biến các món ăn đều do cán bộ xã tự làm để phục vụ dân bản. Rượu thịt đuề huề, cán bộ xã phải đến tận từng nhà mời gia chủ. Người Hà Nhì đặc biệt coi trọng cán bộ cũng chính vì thế”, ông Sinh nói và cho biết thêm, ngày tết đầu tiên của người Hà Nhì phải được tổ chức ở UBND xã, ăn uống no say, dân các bản lại nắm chặt tay nhau chung điệu xòe truyền thống của dân tộc mình.
Xã biên giới Sín Thầu có hơn 800 khẩu, gần như 100% là người Hà Nhì, chỉ lác đác vài giáo viên người xuôi và bộ đội biên phòng của đồn A Pa Chải. Vào ngày vui này, tất cả mọi người, ngay cả PV như chúng tôi cũng không được phép ngồi yên trước điệu xòe mê đắm lòng người ấy. Người người hòa làm một, múa hát và cùng uống rượu dưới ánh trăng.
“Người Hà Nhì sống tình nghĩa, cứ thấy người xuôi tới thăm là quý, là uống rượu cái đã bất kể lạ hay quen, đến với Sín Thầu vì công việc gì. Tấm tình ấy có lẽ xuất phát từ bản sắc, tính cách của người dân nơi đây cũng có lẽ đến từ những lương duyên của đồng bào với người xuôi. Ai hiểu biết thì gọi là ân nghĩa, những a pố (cụ già) thì đơn giản hơn chỉ coi là sự gặp gỡ duyên phận”, ông Sinh khoác vai chúng tôi tâm sự khi chén rượu đã ngà.
Người Hà Nhì mổ lợn đón Tết |
Bánh dày trong Tết Hồ Sự Chà
Ngày Tết thứ 2, đưa chúng tôi tới thăm từng gia đình trong xã, ông Sinh kể, trong Tết Hồ Sự Chà, bánh dày là món không thể thiếu và cũng là lễ vật cúng tổ tiên vào đầu giờ sáng ngày tết đầu tiên.
“Ngoài ra, nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó làm ăn được, mùa màng bội thu. Và thịt lợn sẽ được chế biến thành nhiều món ăn trong ngày Tết nhưng không thể thiếu món nộm thịt với vỏ của một loại cây rừng mà người dân nơi đây gọi là “Á Pé Khu Po”, vừa ngon vừa tăng cường sinh lực dẻo dai”, ông Sinh tâm sự.
Chỉ vào chiếc “pín” lợn đực treo lủng lẳng ngoài cửa của một gia đình ở bản Tả Khố Cừ, ông Sinh cười cho biết đây là dấu hiệu chứng tỏ gia chủ mổ lợn to và một năm làm ăn phát đạt.
Tết của người Hà Nhì, việc cúng tổ tiên do phụ nữ đảm nhiệm. Bàn thờ bên nội được đặt ngay bên trên đầu giường ngủ của vợ chồng chủ nhà. Còn bàn thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp. Bàn thờ chỉ là một chiếc giỏ đan bằng tre rất nhỏ hoặc chiếc que cắm vào vách tường. Những ngày này, đàn ông trong nhà chỉ có mỗi nhiệm vụ là uống rượu tiếp khách. Người Hà Nhì quy định, ai đến sau “chào mâm” phải uống đủ ba chén rượu, bắt tay ba cái thật chặt, ai không uống được sẽ chịu hình phạt là ăn một xâu thịt mỡ. Khách càng say thì gia chủ càng mừng và tình người càng đượm.
Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới ăn tết làm 2 lần. Lần thứ nhất bắt đầu vào ngày con rồng đầu tiên của tháng 10 âm lịch, kéo dài trong 5 ngày và kết thúc vào ngày con khỉ. Trong lần ăn tết thứ nhất này nhà nào cũng chỉ mổ lợn và làm bánh dày để cúng tổ tiên. Lần ăn tết thứ hai bắt đầu vào ngày con rồng tiếp theo, khi ấy mới chính thức bước vào năm mới. Họ mổ gà và làm bánh trôi để cúng tổ tiên. Thời gian của lần ăn tết thứ 2 này kéo dài trong 3 ngày với nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, những trò chơi dân gian. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận