Cầu An Hữu khi thông xe sẽ giải quyết tình trạng “kẹt xe” trên QL 1 đoạn qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang |
Thông cầu mới xóa điểm nghẽn kẹt xe
Có mặt tại công trường thi công cầu An Hữu một tuần trước ngày khánh thành, chúng tôi nhận thấy không khí thi công diễn ra khẩn trương. Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Lê Văn Đức, Tư vấn giám sát trưởng cầu An Hữu hồ hởi: “Hiện nay, các hạng mục cuối cùng như: Lắp đặt thiết bị chiếu sáng, sơn, vạch kẻ đường đang được gấp rút hoàn thành chỉ chờ cắt băng thông xe”.
"Nhờ dự án mà các kỹ sư và công nhân Việt Nam hiểu thêm về đất nước, tình cảm của người Nhật. Đó là những điểm nhấn tô thắm thêm tình hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”. Ông Phạm Văn Minh |
Ông Trương Hồng Phúc cùng nhiều bà con xã An Hữu, huyện Cái Bè những ngày qua vẫn thường ra ngắm cây cầu huyết mạch sắp hoàn thành với một tâm trạng háo hức. Ông Phúc chia sẻ: “Trước đây trên QL1 đoạn cây cầu án ngữ, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, bà con đi lại rất vất vả. Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết xe cộ dồn về nhiều gây kẹt xe kéo dài gần 10 km, có khi kéo dài đến tận cầu Mỹ Thuận. Giờ sắp thông cầu mới chắc chắn sẽ hết kẹt xe nên bà con chúng tôi ai cũng vui”.
Bà Nguyễn Thị Phường (60 tuổi) ở ấp 3, xã An Hữu, huyện Cái Bè cũng hồ hởi: “Tui rất ngạc nhiên vì cầu được xây dựng quá nhanh. Chỉ mới cách đây vài tháng công nhân còn đóng cọc dưới sông. Nhà tui buôn bán tạp hóa. Vài năm trở lại đây tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên diễn ra nên buôn bán ế ẩm. Mai mốt cầu thông xe, tôi hy vọng việc buôn bán sẽ khấm khá lên”.
Thi công trên cầu An Hữu |
Gỡ “nút thắt” tải trọng cầu yếu trên quốc lộ
Cầu An Hữu thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước nhằm khôi phục, cải tạo các cầu yếu trên các quốc lộ. Các cây cầu trên sẽ tháo gỡ “nút thắt” tải trọng cầu yếu trên các tuyến quốc lộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng được JICA tài trợ vốn ngoài cầu An Hữu còn có 8 cầu: Cái Sắn Nhỏ, Cái Dung, Cái Sao, Rạch Gòi Bé, Rạch Gòi Lớn, Tầm Bót và Cái Sơn trên QL91 (trong nội ô thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) cùng với cầu Rạch Sỏi trên QL80 (ở cửa ngõ thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) sẽ hòa niềm vui thông xe với cầu An Hữu.
Ông Phạm Văn Minh, Trưởng Ban điều hành các dự án miền Nam của Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) cho biết, trong hơn 5 tháng vừa tháo dỡ cầu cũ vừa thi công, đến nay 9 cây cầu mới đã hoàn thành. “Từ khi triển khai dự án, chúng tôi đã xác định 9 cầu đều cần thông xe trước Tết Nguyên đán 2015 nên các nhà thầu đã dốc sức làm việc cả ngày lẫn đêm. Các nhà thầu phải chi trả thêm nhiều khoản phát sinh do phải huy động thêm máy, nhân công ngoài dự kiến nhưng đổi lại là công trình hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người dân và góp phần phát triển kinh tế của các địa phương”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, dự án Tín dụng ngành GTVT cải tạo các cây cầu yếu do JICA tài trợ để đầu tư xây dựng mới hàng trăm cầu trên các tuyến quốc lộ thay thế các cầu yếu tải trọng thấp, khổ hẹp, khơi thông năng lực vận tải. Khi các cây cầu mới hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ xóa bỏ nhiều điểm ùn tắc giao thông, mất ATGT trên quốc lộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận