Hết cảnh lội suối, đu dây
Hai tháng nay, người dân thôn Tiên Phong, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ vô cùng phấn khởi khi cây cầu dân sinh Tiên Phong dài hơn 60m với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Anh Phan Đăng Ninh (xã Yên Tập) hồ hởi: “Khi chưa có cầu, muốn qua lại đều phải lội suối. Mùa nắng đi lại bình thường nhưng việc vận chuyển vật tư, phân bón, nông sản qua sông chủ yếu bằng sức người mang vác, vào mùa mưa lũ, nước dâng lên thì không thể qua lại được. Tôi có mấy sào lúa, chè bên sông, nhiều lúc không thể sang chăm sóc được. Giờ an tâm rồi, việc vận chuyển hàng hóa của người dân đã được cơ giới hóa, nhiều nhà mua xe máy, thậm chí ô tô tải nhỏ để vận chuyển”.
Chị Phùng Thị Lân (khu 6, xóm Đồng Chè) lại có niềm vui khác, vì theo chị từ khi cầu Đồng Chè hoàn thành, đau ốm không còn là việc đáng sợ nữa, nhất là vào mùa mưa, vì có cầu rồi. “Trước kia, mỗi khi đau ốm, bệnh tật, người dân trong làng đều phải đi vòng để ra thị trấn, không dám qua ngầm, vì nước chảy mạnh, dễ bị cuốn trôi, đường vòng cũng là đường đất, hư hỏng nhiều”, chị Lân chia sẻ.
Dự án LRAMP do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư. Có trên 2.300 cầu dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh, thành trên cả nước với tổng vốn đầu tư gần 5.800 tỷ đồng. Về phần đối ứng của địa phương, các tỉnh có dự án đã cam kết tự huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật liệu nổ (chi phí này không tính trong tổng mức đầu tư dự án).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê chia sẻ, 2 cây cầu được hoàn thành trên địa bàn huyện vừa qua là mong mỏi của người dân cả 2 xã Yên Tập và Điêu Lương hơn chục năm nay. Khi chưa có những cây cầu kiên cố này, cuộc sống của nhân dân 2 bên sông luôn bị rình rập bởi nhiều nguy hiểm vào mùa mưa lũ.
“Trong trận lũ năm 2015, một chiến sĩ công an trên đường đi làm nhiệm vụ đã thiệt mạng khi qua sông nên mọi người rất lo lắng. Từ khi có dự án xây dựng cầu dân sinh, bà con vui mừng lắm, nên nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất để rút ngắn thời gian thi công. Có cầu, giao thương kinh tế địa phương được phát triển, các em nhỏ yên tâm đến trường trong mùa mưa lũ”, ông Tuấn nói.
Cũng như Tân Phong, Yên Tập, người dân thôn Đá Ngựa, xã Phúc Ứng (Sơn Dương, Tuyên Quang) chưa quên nỗi ám ảnh khi hàng ngày phải đu dây kéo đò qua sông để ra trung tâm xã. Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân thôn Đá Ngựa nhớ lại: “Trước đây, người dân chúng tôi khổ sở lắm. Con cái đi học, cha mẹ đi chợ, đi giao dịch giấy tờ, đau ốm đến trạm y tế, gửi thư từ, gọi điện tại bưu điện xã, tất tần tật đều phải đu dây, ngồi đò qua sông rất bất tiện, nguy hiểm”.
“Có khi sáng qua sông, nhưng trưa, chiều trời mưa lớn, nước sông chảy xiết không thể quay về nhà, đành xin tá túc mấy ngày liền chờ nước rút mới dám về nhà. Tội nhất là những trường hợp đau ốm, tai nạn đột xuất, hay phụ nữ chuyển dạ sinh con vào ban đêm phải lọ mọ đu dây qua sông để đến bệnh viện. Đã có nhiều trường hợp đến được viện thì đã quá muộn”, chị Hằng nói.
Ông Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết, trước đây khi chưa có cây cầu thôn Đá Ngựa, vào mùa lũ, hai thôn Đá Ngựa và Minh Lệnh gần như bị cô lập hoàn toàn. Cây cầu được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 160 hộ dân hai thôn Đá Ngựa và Minh Lệnh đi lại thông thương phát triển KT-XH. Hiện tại, xã mới đạt 50% tiêu chí giao thông, vì vậy cây cầu được đưa vào sử dụng sẽ tiếp thêm động lực giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí này sớm hơn.
900 cầu dân sinh đã Hoàn thành
Phú Thọ, Tuyên Quang là hai trong 50 tỉnh, thành được Bộ GTVT chọn tham gia Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn vay. Vì vậy, có nhiều cầu dân sinh được xây dựng mới. Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3 cho biết, mỗi cây cầu có giá trị đầu tư không lớn, trung bình khoảng 3 tỷ đồng, nhưng có ý nghĩa thiết thực không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại mà còn tạo điều kiện để phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) chia sẻ, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2016, đến nay đã hoàn thành được 900 trong tổng số 2.300 cầu trên 50 tỉnh, thành giúp người dân thuận tiện đi lại nhất là trong dịp Tết này.
“Những vị trí được chọn để xây cầu phải phù hợp tiêu chí của dự án và phù hợp với nguồn vốn được phân bổ là các thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất ATGT, những nơi có kết nối với các công trình phúc lợi của địa phương như trường học, trạm y tế”, ông Sỹ nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết thêm, khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án là các cầu nằm rải rác ở phạm vi rộng, ở vùng sâu, vùng xa phức tạp về địa hình. Giai đoạn đầu triển khai, Tổng cục Đường bộ VN tổ chức các đoàn khảo sát vị trí xây dựng cầu với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân bản địa để đưa ra giải pháp xây dựng phù hợp, tiết kiệm nhất.
“Tổng nguồn vốn xây dựng hợp phần cầu chỉ có khoảng trên 5.000 tỷ đồng, để làm trên 2.300 cầu nên phải rà soát, lựa chọn kỹ những vị trí tốt nhất, tiết kiệm nhất. Đề án tổng thể bước đầu rà soát lên đến 8.000 cầu, nhưng do nguồn vốn có hạn nên Chính phủ duyệt đề án được 4.000 cầu, vẫn còn một nửa số cầu dân sinh cần xây cho bà con nhưng không có vốn. Dự án được thực hiện trong 5 năm nhưng Tổng cục Đường bộ VN quyết tâm hoàn thành trong 3 năm để phục vụ cấp bách, đảm bảo an toàn khi người dân đi lại”, ông Huyện nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận