BS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai chia sẻ, với cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung, hay Khoa Thận nhân tạo nói riêng, khái niệm nghỉ Tết 9 ngày là điều vô cùng xa xỉ.
Riêng năm nay có lẽ đặc biệt hơn những năm trước là cả khoa có được 1 ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đoàn viên với gia đình. Để có ngày nghỉ đó, lãnh đạo khoa đã lên kế hoạch đảo ngày chạy thận nhân tạo vào Chủ nhật để vẫn đảm bảo đủ buổi điều trị cho bệnh nhân.
“Nếu ngày Tết vẫn cắt lịch nghỉ, điều đó đồng nghĩa bệnh nhân phải ngưng chạy thận 1 buổi. Có thể 1 buổi không khiến bệnh nhân đuối sức nhưng thực sự khiến họ mệt nhọc rất nhiều. Cũng vì suy nghĩ đó mà suốt gần chục năm qua, các y bác sĩ nơi đây quyết định giữ nguyên lịch chạy thận cho bệnh nhân mà không nghỉ Tết”, ông Dũng cho hay.
Theo thông lệ, lịch chạy thận của bệnh nhân thường được dồn lên sớm hơn 6 giờ đồng hồ từ tối ngày 29 tháng Chạp Âm lịch để ngày 30 kết thúc làm việc vào 15h chiều, nhân viên và bệnh nhân kịp đêm Giao thừa, ai cũng được có mặt bên gia đình đón Tết. Và ngày mùng 1 Tết sẽ lại bắt đầu ca chạy thận tiếp theo vào lúc 6 rưỡi sáng.
Theo BS. Nguyễn Hữu Dũng, do thận suy giai đoạn cuối, nên mất chức năng bài tiết, gây tích nước. Việc cơ thể bệnh nhân tích nước sẽ dễ ứ nước ở phổi gây nên phù cấp phổi “chết đuối trên cạn”, đồng thời dễ khiến tăng vọt huyết áp, gây đột quỵ não. Bên cạnh đó, do thận suy không điều chỉnh được kali nên nếu bệnh nhân không đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, cùng việc quên uống thuốc định kỳ sẽ dễ vượt ngưỡng cho phép và hậu quả có thể gây tử vong.
Chỉ tay lên lịch chạy thận được dán trên bảng thông báo ngay từ đầu tháng, bà Nguyễn Thị H. (Thanh Xuân, Hà Nội) chạy thận đã 6 năm nay cho biết: “Việc chuyển lịch để có ngày mùng Một đoàn viên là rất hợp lý. Ai cũng mong muốn được bên gia đình trong ngày đầu năm mới cả. Hơn nữa những ai ở quê xa có thể chủ động đổi lịch cho các bệnh nhân khác để về quê cho kịp, đỡ vất vả. Cũng không đâu như ở đây, các y bác sĩ rất tốt, thương người bệnh”.
Bà H. kể câu chuyện “lần đầu về đây chạy thận, bà gửi phong bì cảm ơn bác sĩ. Sau khi nhận, bác sĩ đưa lại tôi với lời dặn dò “con biếu lại bác để bác chữa bệnh và nhiều việc phải lo toan”.
Các bác sĩ cho hay, ở khoa Thận nhân tạo này, khi mắc căn bệnh suy thận, giàu rồi cũng nghèo vì triền miên với lịch chạy thận. Người khỏe chút vừa chạy thận vừa đi làm, yếu hơn thì có thể tự phục vụ mình, còn nhiều bệnh nhân hoàn toàn phải phụ thuộc vào người khác. Ở đây, mỗi ngày có từ 200-300 bệnh nhân chạy thận. Các máy chạy cứ liên tiếp hoạt động suốt tuần từ thứ 2 đến thứ 7 và chỉ ngưng nghỉ để kiểm tra, bảo dưỡng vào ngày chủ nhật hàng tuần.
Mỗi bệnh nhân ở đây có một hoàn cảnh khác nhau. Có những cháu còn nhỏ chỉ mới 11 tuổi, cứ vô tư hồn nhiên sau mỗi giờ chạy thận mà không biết căn bệnh còn gắn với mình cả cuộc đời. Có cụ giờ 90 tuổi. Lại có người mổ cầu tay đến lần thứ 20. Rất xót xa. Hay có gia đình cả 2 chị em cùng chạy thận.
Không ít bệnh nhân chạy thận ở đây nhiều năm không được đón Tết ở nhà vì nhà xa, đi lại khó khăn, kinh tế thì thiếu thốn.
Theo BS. Nguyễn Hữu Dũng, trong những dịp Tết trước, khoa từng tiếp nhận bệnh nhân phù phổi cấp vì “thừa nước”, tăng ka li máu rất nguy kịch. Nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân dễ đối mặt với tử vong. Điều nguy hại khi người bệnh không tuân thủ chế độ dinh dưỡng dễ dẫn đến tình trạng thừa nước và tăng kali máu.
“Mỗi buổi sáng bước chân đến khoa nhìn hàng chục bệnh nhân chờ được chạy thận với sự mệt mỏi, lo lắng. Không thấu hiểu người bệnh thì không thể sống được với nghề này”, ông Dũng nói vậy khi được hỏi “liệu có quá mệt mỏi với công việc triền miên đến mức chẳng có nổi những ngày Tết bên gia đình”.
Ngày Tết ở đây cũng cành đào thắm sắc, cũng những món quà nhỏ dành cho bệnh nhân xa nhà, còn thêm vào đó những phong bao lì xì chỉ 10-20 nghìn đồng, nhỏ về giá trị vật chất nhưng nặng tình, nặng nghĩa mà bệnh nhân dành tặng cho những người đang điều trị cho mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận