Ông bà gói bánh, các gia đình quây quần giã giò, xào mứt, trẻ con háo hức nghe kể chuyện Tết xưa, Tết nay... Xu hướng tự chuẩn bị, sửa soạn cho một cái Tết truyền thống, thuần Việt ngày càng mở rộng với nhiều gia đình thành phố.
Nhiều năm trở lại đây, cứ đến rằm tháng 11 Âm lịch, bà Lan (ở số 6 ngách 27/37 phố Dịch Vọng, Hà Nội) đã sắm đủ gạo nếp ngon, đỗ xanh, miến, măng, nấm hương, mộc nhĩ… chuẩn bị Tết. Bà Lan nhẩm tính, để gói được 20 chiếc bánh chưng loại to cần khoảng 10 kg gạo nếp, 3 kg đỗ xanh, 2 kg thịt, cộng cả tiền lá dong, lạt buộc, than… hết khoảng 700 nghìn đồng.
Bà Lan nói: “Giờ đặt mua cái bánh chưng to như thế phải 70-80 nghìn đồng/chiếc, mình tự gói bánh vừa rẻ, vừa ngon, lại yên tâm về độ an toàn thực phẩm. Hơn nữa, cứ nhìn cảnh ông bà gói bánh, bọn trẻ quây quần canh bánh, vớt bánh lúc nửa đêm, thấy Tết ấm áp, sum vầy hơn.
Còn tại ngách 41/354 Trần Cung, Hà Nội, cứ đến gần Tết là các chị em lại rủ nhau cùng mua chung, làm chung đồ ăn Tết. Mỗi người một việc, trong khi chị em lo làm mứt, làm kẹo lạc, bánh vừng...; cánh đàn ông xúm lại gói bánh chưng, gói giò xào, nướng cá…
“Cả khu chung tiền mua đồ về làm rồi chia cho các nhà cùng sử dụng, đảm bảo Tết vừa rẻ, vừa ngon, vừa sạch, lại tình cảm, đầm ấm. Nhờ giải pháp “mua chung, tự làm” này mà Tết xong, mỗi hộ cũng tiết kiệm được ít tiền để ra Giêng góp nhau lại đi du xuân”, chị Thủy, cư dân ở ngách nhỏ này cho hay.
Vừa mời khách dùng thử miếng mứt dừa tự làm, chị Hà (ở C3 Nghĩa Tân, Hà Nội) vừa khoe, ba năm nay, gia đình chị đều tự gói bánh chưng, làm giò xào, bò khô, làm mứt... đón Tết. Chị Hà tâm sự: “Tôi thường chuẩn bị Tết trước hai tháng, cứ cuối tuần rảnh rỗi thì đi chợ lựa thực phẩm về làm. Thường các món để lâu được như mứt dừa, mứt gừng, bò khô… làm trước; mứt bí, mứt cà rốt làm sau; cận Tết thì lo giò xào, bánh chưng, cá kho… Đồ Tết mình tự tay làm, không có chất hóa học cũng như bảo quản, tính ra cũng không rẻ hơn đồ bán ngoài thị trường, nhưng yên tâm là sạch và cả nhà xúm vào, nên dù mệt cũng thấy vui”.
TS. Đặng Thị Hoa, Viện Nghiên cứu gia đình và giới chia sẻ: “Xu hướng đón Tết truyền thống dường như đang quay trở lại, khi nhiều gia đình đô thị, kể cả những nhà có điều kiện, vẫn tự tay gói bánh chưng, làm mứt Tết… thay vì dễ dàng đặt mua sẵn như nhiều năm trước. Khi các cá nhân, gia đình quây quần tự tay lo đồ Tết, sẽ thấy Tết nhộn nhịp, sum vầy, ý nghĩa hơn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận