Cầu rễ cây 2 tầng độc đáo của bộ lạc Khasi |
Một bộ tộc sống ở ven sông bang Meghalaya, phía Đông Bắc Ấn Độ, gần biên giới Bangladesh đã nghĩ cách thông minh để đi lại, theo Daily Mail.
Ngôi làng Mawsynram thuộc bang Meghalaya nằm ẩn trong lòng những thung lũng và rừng nhiệt đới tươi tốt. Đây là một trong những nơi ẩm ướt nhất thế giới - với lượng mưa trung bình hàng năm là 11.873mm. Nơi đây là địa bàn sinh sống lâu đời của bộ lạc Khasi Tribe.
Vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, việc đi lại của dân làng trở nên vô cùng khó khăn trong điều kiện ẩm ướt, trơn trượt và xung quanh toàn bộ là rừng rậm. Người dân Khasi đã sáng tạo ra một giải pháp thông minh để đi qua con suối lớn, bằng cách trồng cây Ficus (một loại cây họ cao su, phần rễ phụ nhiều và rất dẻo dai) ở hai bên bờ suối, sau đó, họ nuôi phần rễ cây dài ra rồi từ từ tết một cách tỉ mỉ, có hệ thống thành chiếc cầu.
Trong số những cây cầu làm bằng rễ cây độc đáo của bộ lạc Khasi, cầu Umshiang với hai tầng rễ cây tết có thể “tải” được 50 người có mặt trên cầu cùng lúc và có tuổi thọ lên tới 180 năm, ngoài ra có những cây cầu “già” khác có tuổi thọ lên tới 500 năm. Thời gian để hoàn thiện một “công trình” cầu rễ cây độc đáo này cần 10 - 15 năm, để chờ đợi các rễ cây mọc dài ra và đủ vững chắc để tạo thành cầu.
Cầu Umshiang được cho là một trong những cây cầu nổi tiếng độc đáo, có một không hai trên thế giới. Để tham quan cây cầu này, du khách chỉ có một cách duy nhất là đi bộ vào. Cầu nằm cách thị trấn Cherapunji của bang Meghalaya, Ấn Độ khoảng 10km về phía Nam.
Ngày nay, người ta sử dụng dầm thép để làm những cây cầu hiện đại ở Meghalaya, song cầu tết bằng rễ cây vẫn là điểm du lịch hấp dẫn ở ngôi làng lâu đời này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận