Xã hội

Tết sum vầy sau tháng ngày dài tha hương

31/01/2022, 20:52

Trở về quê miền Tây tránh dịch, không ít người lao động mất việc đã chọn cách ở lại thay vì quay về thành phố.

Sau nhiều cái Tết xa quê, năm nay họ được sum vầy cùng gia đình mà không còn phải lo toan nhiều thứ.

img

Với vợ chồng bà Nguyễn Thị Búp, được trở về quê an toàn, đón Tết bên gia đình là niềm vui lớn nhất

Hơn 5 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Nguyễn Thị Búp ở ấp Tà Óc, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đến Bình Dương làm công nhân cho công ty gỗ. Năm nào, chuyện về quê đón Tết cùng người thân cũng khiến ông bà đau đáu, tất tả về rồi lại tất tả đi.

Năm nay, dịch bệnh phức tạp, vợ chồng ông mất việc hơn 3 tháng. Trong lúc khó khăn nhất, ông bà nhận được thông tin tỉnh Bạc Liêu tổ chức “chuyến xe 0 đồng” đưa người dân về quê tránh dịch. Vậy là vợ chồng ông đăng ký và được hồi hương từ đầu tháng 11/2021.

Ngồi trầm ngâm, bà Búp chậm rãi chia sẻ: “Như mọi năm, ai cũng gắng làm thêm đến 27 – 28 Tết để lãnh tiền thu nhập tăng thêm rồi mới tính chuyện về quê đón Tết. Năm nay mọi người đều hồi hương từ rất sớm và chưa có ý định khi nào sẽ quay trở lại công ty”.

Đang loay hoay sửa lại mái hiên bên hông nhà, ông Tùng chia sẻ: “Về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Năm nay, vợ chồng tôi được ăn Tết sớm hơn mọi năm. Tết quê, dù chẳng có gì nhưng vẫn thấy vui hơn”.

img

Anh Công chăm sóc mấy chậu mai trước nhà chuẩn bị đón Tết sau nhiều năm tha hương

Cùng cảnh ngộ xa quê mưu sinh, anh Lâm Minh Công ở ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, do gia cảnh khó khăn, vợ chồng anh gửi đứa con trai cho ông bà nội chăm sóc để lên Bình Dương làm thuê.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh Công và nhiều công nhân khác rơi vào cảnh mất việc. Đầu tháng 10/2021, vợ chồng anh đi xe máy từ Bình Dương về quê.

“Không có việc làm ổn định nên ai thuê gì làm nấy. Nhưng dù gì tôi vẫn thấy hơn cảnh phải tha hương mà không biết cuộc sống ngày mai thế nào”, anh Công cho hay.

Chị Phan Thị Chi (SN 1984, vợ anh Công) đang dự định xin vào công ty may ở gần đó cho hay: “Năm trước, lúc gần Tết con gọi điện lên hỏi sao cha mẹ không về. Lúc đó, tôi chỉ biết bật khóc. Hai vợ chồng gắng ở lại làm thêm dịp Tết mong kiếm thêm ít nào hay ít đó. Năm nay, vợ chồng tôi quyết định về quê luôn, sẽ bù đắp lại cho con những ngày tháng xa nhà”.

Theo chia sẻ của anh Công, chuyến hồi hương lần này, anh và vợ không có dự tính quay lại Bình Dương nữa mà ở hẳn quê: “Đi làm công nhân thì lương cũng chỉ đủ thuê nhà và chi phí sinh hoạt, tích góp mỗi tháng cũng chẳng được bao nhiêu. Thà cứ ở quê, dần dần rồi kiếm việc”.

Ông Bùi Minh Túy, Phó giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với TP.HCM và Bình Dương tổ chức cho bà con trở lại làm việc.

Tuy nhiên, hiện tại dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên nhiều người đã chọn ở lại quê nhà, sau Tết mới tính chuyện có đi làm lại hay không.

Qua rà soát, tổng số người lao động mất việc từ các tỉnh, thành trở về Bạc Liêu là trên 26.000 người. Tỉnh đã và đang tìm các giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng này.

Tại Cà Mau, ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh cho biết, đến nay, lao động làm việc ngoài tỉnh tự phát trở về tỉnh với số lượng 54.879 người. Hiện đã có 9.265 người tìm được việc làm mới, toàn tỉnh cần phải giải quyết việc làm cho 45.614 người.

“Để tạo việc làm cho người lao động, ngành chức năng tỉnh Cà Mau tăng cường hỗ trợ kết nối qua sàn giao dịch việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tới tuyển dụng”, ông Ân nói và cho hay, trước mắt, Sở sẽ rà soát các nhóm đối tượng lao động trở về quê, hỗ trợ những đối tượng khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.