Quả phật thủ pháo hoa đang được dân chơi săn đón.
Hàng "khủng", nhà giàu cũng khó mua
Theo khảo sát của Báo Giao thông, ngoài 2 loại phật thủ đang được bày bán tại các chợ Hà Nội là “tay phật nắm” - quả có các ngón tay chụm lại và “tay phật duỗi” - quả giống ngón tay duỗi ra, Tết Tân Sửu năm nay, loại hàng tuyển đang được các cửa hàng hoa quả online chào bán trong những ngày cận Tết là phật thủ cúc hay còn gọi là phật thủ pháo hoa.
Chị Thanh Vân, bán hoa quả online ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, năm nay do dịch Covid-19, đi lại khó khăn, thương lái các tỉnh cũng mua ít hơn nên giá phật thủ loại thường rẻ hơn một nửa so với năm ngoái. Nếu như các loại phật thủ đang bán tại các chợ có mức giá bình dân từ 50.000-200.000 đồng, thì loại phật thủ hoa cúc, kích thước từ 15-20 cm, có giá từ 300 ngàn đến 1,5 triệu đồng/quả.
“Điểm khác biệt của loại phật thủ này là có từ 20 ngón trở lên, xòe ra 4-5 lớp như những cánh hoa cúc đại đóa. Những ngày Tết, loại phật thủ này, tôi bán còn chạy hơn cả chuối, bưởi… Hàng không có nhiều, chỉ những khách quen hoặc đặt trước chúng tôi mới để phần”, chị Vân nói.
Theo anh Lê Tuấn Anh, chủ vườn phật thủ ở xã Thọ An (huyện Hoài Đức, Hà Nội), một quả phật thủ đặc biệt quý, ngoài kích thước khủng, có tầm 30-40 ngón, đếm theo vòng chữ: “thịnh - suy - vi - thái”, nếu ngón cuối cùng của vòng ngoài rơi vào chữ “thịnh” thì đó mới là phật thủ đắt giá.
“Trong vườn nhà tôi, 1.000 quả mới có được 2 quả hàng “khủng”. Giá không hề rẻ, tầm 4 triệu đồng/quả. Quả kích thước càng lớn, các ngón càng to và đều sẽ càng có giá trị. Mỗi quả to ngang với một nải chuối, cân nặng 5-6 kg. Theo quan niệm của ông bà ta, nếu rơi vào chữ Thịnh thì năm mới sẽ phát tài, sung túc”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Thờ phật thủ cầu an lạc, ấm no
Phật thủ được bày trên mâm ngũ quả thay quả bưởi
Vài năm gần đây, phật thủ trở thành loại quả được các gia đình miền Bắc lựa chọn bày mâm ngũ quả, thắp hương trên ban thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết.
Theo quan niệm dân gian, quả phật thủ là tượng trưng cho bàn tay Đức Phật ngự trị trong đời sống tâm linh mỗi người. Thờ phật thủ trong ngày Tết để cầu mong một năm mới nhiều an lạc, vui vẻ, no ấm.
Trên mâm ngũ quả của người Việt Nam, quả phật thủ thường được đặt ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả. Quả phật thủ có thể trưng bày thay thế bưởi truyền thống.
Bên cạnh đời sống tâm linh, quả phật thủ cũng được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Theo Đông y thì quả phật thủ có vị đắng, chua và tính ấm nên có tác dụng điều trị các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, viêm gan, đau họng, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau ...
Các nghiên cứu dược lý cho thấy quả phật thủ còn có thể giải trừ sự co thắt cơ trơn hay hạ huyết áp cũng như cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa... Quả phật thủ còn chứa rất nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận