Lực lượng dân chủ Syria bắt giữ một số tay súng IS ở Syria năm 2016 |
Quân đội Mỹ lặng lẽ thả một người đàn ông có tên John Doe bị cáo buộc tham gia tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi giam giữ tên này tại Iraq trong 13 tháng, khiến dư luận dậy sóng.
Bắt giam 13 tháng rồi lặng lẽ thả...
Theo The Atlantic, một trong những trang báo uy tín ở Mỹ, một loạt các sự kiện pháp lý kéo dài liên tục trong 13 tháng đã kết thúc lặng lẽ vào tuần trước khi công dân quốc tịch Hoa Kỳ John Doe (từng bị lực lượng người Kurd tại Syria bắt năm 2017) được thả tự do.
Tuy nhiên, theo The Atlantic, những câu hỏi lớn đằng sau vấn đề này vẫn còn tồn tại. Đó là về giới hạn thẩm quyền của Chính phủ Mỹ trong việc giam giữ các chiến binh chống chính quyền, bao gồm cả công dân Hoa Kỳ. Cụ thể, dư luận muốn làm rõ câu trả lời về giới hạn can dự của chính quyền Washington trong một cuộc chiến chống khủng bố dường như không bao giờ kết thúc.
Theo GS. luật Stephen Vladeck tại Đại học Texas, người đã theo dõi vụ việc của đối tượng John Doe chặt chẽ, các tài liệu xét xử nghi phạm này trong hơn 1 năm qua “là một cơ hội quan trọng để làm sáng tỏ những câu hỏi trên”.
Vụ việc bắt đầu mùa thu năm ngoái, khi công dân quốc tịch kép Mỹ-Arab Saudi John Doe bị lực lượng người Kurd bắt giữ ở miền Bắc Syria. Thời điểm đó, Doe mang theo khoảng 4.000 USD, hai ổ USB, một thiết bị GPS và một mặt nạ lặn kèm ống thở.
Sau đó, người này được giao cho quân đội Mỹ và Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã nhanh chóng yêu cầu quyền tiếp cận luật sư dành cho Doe.
Trong những tháng sau đó, một tòa án liên bang nhiều lần đề nghị để John Doe được tiếp cận với luật sư, đồng thời, chặn nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm dẫn giải và bàn giao Doe cho các nhà chức trách Arab Saudi.
Jonathan Hafetz, luật sư chính trong vụ này nhận định, vụ việc của Doe đã càng củng cố luận điểm rằng, Chính phủ Hoa Kỳ tự do quyết định số phận công dân mà không cần xem xét hay để ý trình tự tư pháp cũng như các thủ tục pháp lý cần thiết khác.
Tương lai mơ hồ cho 700 tù binh quốc tế
Trong suốt nhiều năm qua, các thẩm phán ở Hoa Kỳ đã cân nhắc rất nhiều về các vụ bắt giữ do quân đội tiến hành đối với các nghi phạm người Mỹ bị buộc tội liên kết với al-Qaeda hoặc Taliban. Các tranh luận hiện nay lại tiếp tục hướng vào những người bị nghi tham chiến cho tổ chức khủng bố IS.
Xu hướng chiến binh nước ngoài tham gia IS vào thời kỳ đỉnh cao của nhóm khủng bố (từ năm 2014 - 2015) là một hiện tượng toàn cầu chưa từng có. Ước tính có khoảng 30.000 người tham gia IS và các nhóm cực đoan khác ở Iraq và Syria, theo số liệu của Tập đoàn Tình báo (tư nhân) Soufan vào cuối năm 2015.
Khi đó, ông James Comey, người đứng đầu Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) nói rằng, người Mỹ chỉ chiếm một số ít trong số các chiến binh nước ngoài tham gia IS, cỡ khoảng 10 trong số 100 người khi cố gắng tìm cách tham gia nhóm hoặc bị bắt/tử vong trên các chiến trường của IS.
Nhưng hiện nay, khi IS bị đẩy lùi ở Syria, số lượng tù nhân bị nghi ngờ là thành viên IS đã tăng lên. Trường hợp của Doe khá riêng biệt, vì là công dân Mỹ, được các lực lượng Mỹ giam giữ và thông tin được công khai. Trong khi đó, còn rất nhiều tù nhân người Mỹ khác bị giam giữ mà không được công khai danh tính.
Ước tính có khoảng 700 người từ 40 quốc gia khác nhau đang bị Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn giam giữ tại một vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria.
Một lượng nhỏ tù binh đã được trả về nước của họ và Hoa Kỳ cũng khuyến khích mỗi quốc gia nên tự ra phán quyết đối với công dân của mình. Nhưng, nhiều nước trong số đó không muốn đưa những phần tử này trở về nước xử án, điển hình là Anh.
Trong khi đó, lực lượng người Kurd không phải là một Chính phủ có chủ quyền và về lâu dài, họ chưa chắc đã giữ được lãnh thổ hiện tại nếu Syria hoặc Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đẩy lực lượng người thiểu số ra khỏi lãnh thổ hai quốc gia.
Thực tế này đặt ra một dấu hỏi lớn, khi mà giai đoạn của cuộc chiến chống IS kết thúc, một lượng lớn người đa quốc gia bị nghi ngờ chiến đấu cho IS vẫn đang bị giam giữ ở miền Bắc Syria và không ai biết tương lai đối với họ sẽ ra sao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận