Lễ đồng thổ tuyến đường sắt nối Bangkok - Côn minh được tổ chức tại Ayutthaya, Thái Lan tháng 12 vừa qua |
Bên cạnh những lợi ích về chính-trị-an ninh, văn hóa-xã hội, Cộng đồng ASEAN mang đến nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, để có thể đón nhận trọn vẹn những lợi ích này, các nước trong khu vực cần phải chuẩn bị tâm thế, các điều kiện cần và đủ để thu hút đầu tư cũng như bắt kịp những đòi hỏi đặt ra trong quá trình hội nhập. Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng là nền tảng cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài. Dự kiến, khu vực này sẽ cần tới 3,3 nghìn tỉ USD vào chi tiêu ngân sách hạ tầng cho tới năm 2030. Trung Quốc đang nhắm tới Cộng đồng kinh tế ASEAN với vai trò là cơ sở sản xuất và thị trường lớn. Không chỉ vậy, nước này cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ với ASEAN qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các công ty Trung Quốc đang tham gia vào dự án xây dựng một tuyến đường sắt nối Bangkok và Côn Minh (Trung Quốc) qua Lào trong đó nước này dự định sẽ hỗ trợ tài chính cũng như công nghệ. Tháng 12 vừa qua, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã tới tham dự lễ động thổ xây dựng tuyến đường sắt này được tổ chức tại Thái Lan.
Tại Myanmar – nơi các lệnh trừng phạt đã được nới lỏng, hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối nước này với các nước láng giềng đang được tăng cường. Dự kiến, một con đường hai làn nối miền bắc Thái Lan và Yangon sẽ được thông đường vào tháng 8, thay thế con đường núi cũ một làn lạc hậu và hiểm trở.
Hầu hết các vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng đều được chuyên chở qua con đường này. Vì vậy, một khi được đưa vào hoạt động, con đường này sẽ giúp đáp ứng phần nào nhu cầu xây dựng ngày càng cao tại Myanmar.
Không riêng Trung Quốc, Đông Nam Á là địa điểm đầu tư chính của các công ty Nhật Bản.
Tập đoàn kho vận Yusen của Nhật Bản đang cân nhắc sẽ tăng cường tần suất vận tải hàng hoá bằng xe tải giữa Bangkok (Thái Lan và Yangon (Myanmar). Ngoài ra, Công ty đường sắt Vận chuyển Nhật Bản và Tập đoàn Toyota Tsusho đều nhắm tới dịch vụ vận tải đường sắt dọc tuyến Hành lang Kinh tế phía Nam. Hiện nay, Hành lang kinh tế phía Nam với tuyến đường vận tải dài 900km đang kết nối TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), Phnom Penh (Campuchia) và Bangkok (Thái Lan).
Cộng đồng ASEAN được hình thành trên 3 trụ cột chính-trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội chính thức ra mắt ngày 31/12/2015 vừa qua. Trong đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được xây dựng nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển dựa trên nền tảng hội nhập thị trường và xoá bỏ rào cản thương mại, tạo ra khối kinh tế trị giá 2,5 nghìn tỉ USD với dân số lớn hơn Liên minh Châu Âu. Việc ra mắt Cộng đồng ASEAN được coi là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận