Hơn 5ha đất nông nghiệp của 51 hộ dân thôn Đông Hồ, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bỗng nhiên bị một “ông trùm” đất trong vùng ngang nhiên cho người đào xúc ruộng, đắp bờ quây lại trong sự phẫn nộ của người dân. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã nói: “Người ta có sai, giờ chúng tôi bắt họ hoàn trả lại ruộng cho dân, cái sai này không quá lớn”.
Đắp bờ bao quây ruộng lúa “nhà người” thành “nhà mình”
Nhằm tìm hiểu rõ hơn về những sai phạm xảy ra tại xã Thụy Phong, PV Báo Giao thông đã liên lạc với ông Phạm Tùng Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy.
Trao đổi qua điện thoại, vị lãnh đạo UBND huyện cho biết: “Huyện đã ghi nhận sự việc trên và đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường xuống phối hợp với xã xác minh, làm rõ sự việc.
Cuối tháng 11/2019, sau vụ thu hoạch lúa ít ngày, khi ra thăm mảnh ruộng nhà mình để chuẩn bị cày cấy cho vụ mùa tiếp theo, bà Đinh Thị Dung (thôn Đông Hồ) choáng váng khi thấy 2 chiếc máy xúc đang hối hả xúc đất từ ruộng nhà mình lên đắp vào một bờ đất cao hơn 1m thành con đường dài vài trăm mét dọc cánh đồng. Không chỉ nhà bà Dung, bờ ruộng của cả cánh đồng thuộc xóm 1 và 2 thôn Đông Hồ bị san phẳng; máng mương tưới tiêu thủy lợi dẫn nước vào khu ruộng cũng bị san lấp.
Bà Dung nhào tới, tranh cãi với những người công nhân đang hối hả đào, đắp trên mảnh ruộng của mình thì bà được họ trả lời: “Chúng tôi được ông Hạnh Nhân thuê đào đất đắp bờ bao, trồng cột điện. Cả cánh đồng này của ông ấy, ông ấy đang thuê chúng tôi để làm trang trại nuôi trồng thủy sản”.
Uất ức, bà Dung cùng gần 30 hộ dân thôn Đông Hồ cùng ý kiến lên Hợp tác xã và UBND xã nhưng việc đào đắp vẫn diễn ra bình thường.
Bức xúc, những hộ dân thôn Đông Hồ tìm tới báo chí để phản ánh. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Duy Điệu (61 tuổi, xóm 1, thôn Đông Hồ) chỉ vào khu ruộng nhà mình, bất lực chia sẻ: “Người ta ngang nhiên quây bờ, chiếm ruộng của chúng tôi. Giờ ruộng tan hoang hết rồi, không còn nhận biết được ruộng nhà mình, không thể cấy hái. Người nông dân chúng tôi thấp cổ bé họng không biết phải làm sao nữa”.
Theo người dân thôn Đông Hồ, cánh đồng được dân cày cấy từ vài chục năm trước, có hệ thống thủy lợi đầy đủ, có bờ vùng, bờ thửa, chia thành các mảnh ruộng của 51 hộ dân. Mấy ngày trước, cả cánh đồng bị ngang nhiên quây lại, phá nát bờ vùng, bờ thửa, ruộng của dân bị đào lên để đắp thành bờ đường.
“Chúng tôi biết toàn bộ việc này do ông Hạnh Nhân làm. Ông ấy là một “trùm đất” tại vùng này, lắm tiền, nhiều quan hệ, nhưng chúng tôi không thể nghĩ ông ấy lại ngông cuồng đến thế, ngang nhiên quây chiếm ruộng của mấy chục hộ dân”, ông Điệu bức xúc.
Lạ lùng cách xử lý của chính quyền địa phương
Ông Nguyễn Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Thụy Phong trong buổi làm việc với Báo Giao thông thừa nhận có việc cánh đồng thôn Đông Hồ bị đào đắp quây thành vùng. Theo ông Doãn, diện tích bị quây này rộng hơn 5ha, vốn là ruộng của 51 hộ dân xóm 1 và 2, thôn Đông Hồ. Người thực hiện việc đào đắp quây cánh đồng này là ông Đặng Đức Hạnh (tức Hạnh Nhân - PV), trú tại thôn 2 Đồng Hòa, xã Thụy Phong.
“Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu dừng thi công để xác định xem phần đất nào ông Hạnh đã nhận chuyển đổi, phần đất nào ông Hạnh tự ý quây vào. Theo tôi nắm được thì nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất cho ông Hạnh, còn 29 hộ dân chưa chuyển đổi nằm trên diện tích đất mới quây vào”.
Tuy vậy, người dân thôn Đông Hồ cho biết, sau nhiều lần kiến nghị, chính quyền địa phương vẫn im lặng để cả cánh đồng của thôn hàng ngày bị phá nát. Quá bức xúc, hàng chục hộ dân thôn Đông Hồ đã tập trung phản đối, gọi điện trình báo sự việc tới UBND huyện Thái Thụy. Tới lúc này, các cơ quan chức năng huyện Thái Thụy về phối hợp với UBND xã Thụy Phong lập biên bản, yêu cầu ông Đặng Đức Hạnh dừng việc đào bới, làm bờ bao, cột điện tại cánh đồng thôn Đông Hồ.
Khi PV đặt câu hỏi: “Khu vực cánh đồng thôn Đông Hồ đã được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, nuôi thủy sản chưa mà ông Hạnh lại nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của một số hộ dân sau đó đào đất quây lại để nuôi thủy sản, trồng cây lâu năm?”, ông Doãn thông tin, đất cánh đồng thôn Đông Hồ chưa được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc giao dịch giữa ông Hạnh và một số hộ dân là do họ tự chuyển đổi (?!).
“Ông ấy đã nhận chuyển đổi đất của hơn 20 hộ dân rồi, giờ chỉ còn 29 hộ là chưa đồng ý chuyển đổi cho ông ấy thôi. Sai phạm của ông Hạnh cũng không quá nghiêm trọng, chúng tôi sẽ yêu cầu ông Hạnh san lấp, trả lại mặt bằng cho các hộ dân chưa chuyển đổi với ông Hạnh”, ông Doãn nói.
Câu trả lời của ông Doãn quả là bất ngờ. Cả cánh đồng trồng lúa, chưa có một quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương coi việc chuyển đổi “chui” của ông Hạnh với một số hộ dân như là hợp pháp. Không những vậy, ông Hạnh còn đắp bờ quây cả cánh đồng của mấy chục hộ dân lại (khi chưa có sự đồng ý của người dân) nhưng xã lại cho rằng đây là vụ việc “không quá nghiêm trọng”.
Thực tế, đã gần 1 tháng trôi qua kể từ khi cánh đồng thôn Đông Hồ bị quây chiếm, phá nát bờ vùng, bờ thửa, ruộng của dân bị múc đất tan hoang, máng mương tưới tiêu thuỷ lợi cũng bị đào lấp… nhưng chính quyền địa phương mới có một động thái duy nhất là yêu cầu ông Hạnh dừng thi công mà không hề có ý định xử lý sai phạm.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc lạ lùng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận