Theo quy ước của nhiều tổ chức địa lý, Trái đất ngày nay có tổng cộng 7 châu lục. Song, theo dự đoán của nhà địa vật lý học Ross Mitchell thì trong tương lai, Trái đất sẽ chỉ có duy nhất 1 châu lục.
Dự đoán này thực chất xuất hiện trong cuốn sách có tên "Siêu lục địa tiếp theo" do ông viết.
Trong cuốn sách, nhà địa vật lý học Ross Mitchell mô tả Trái đất cách đây khoảng 200-300 triệu năm, khi siêu lục địa gần nhất trên Trái đất tồn tại - đó là siêu lục địa Pangea, nằm ở phần ngày nay là Châu Phi.
Tiếp đó, nhà địa vật lý học mô tả tiếp về siêu lục địa Rodinia cách đây từ khoảng 1 tỷ năm trước, nằm phía Bắc Mỹ ngày nay. Và mô tả tới siêu lục địa đầu tiên trên Trái đất, gọi là Columbia, nằm ở khu vực Siberi ngày nay.
Ảnh mô phỏng siêu lục địa Pangea, trải dài từ Bắc cực tới Nam cực (Nguồn: GETTY).
Dựa trên những hoạt động địa chất từ quá khứ để theo dấu dịch chuyển đang xuất hiện ngày nay đòi hỏi các nhà khoa học phải có những hoạt động chuyên môn cao.
Những hoạt động này thường bắt đầu từ việc thu thập mẫu vật có thể xác định được thời gian hình thành đá, cũng như vĩ độ khi thu thập mẫu vật.
Manh mối giúp các nhà khoa học có thể giải thích vì sao siêu lục địa hình thành ngay từ lần đầu tiên, rồi lý do gì khiến chúng liên tục "khắc nhập - khắc xuất" nằm ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.
Một trong số các lĩnh vực nghiên cứu, các nhà khoa học mô tả về các tầng địa chất của Trái đất.
Nhìn chung có thể nói Trái đất gồm ba tầng địa chất: Lớp vỏ, lớp manti, và lõi. Lâu nay, lớp manti đã có những hoạt động tác động tới các lục địa. Các nhà khoa học mô tả lớp manti này tuy cứng mà mềm.
Lớp manti nằm giữa và cũng kiểm soát mối quan hệ giữa vỏ Trái đất và lõi - nơi lưu trữ nhiệt.
Theo nhà địa vật lý học Ross Mitchell, vòng lặp quy trình tạo ra siêu lục địa trên Trái đất gắn liền với các hoạt động địa chất của lớp manti mang nhiệt từ lõi lên lớp vỏ Trái đất.
Các nhà khoa học nhận định rằng khi nóng lên, các lục địa sẽ dịch chuyển về nơi có lớp manti lạnh hơn.
Những khu vực có nhiệt độ thấp hơn đó xuất hiện khi các mảng đại dương chìm xuống dưới mảng kiến tạo và đi vào trong lớp manti.
Từng chút một, mảng đại dương chìm xuống sẽ kéo các mảng kiến tạo lại gần nhau, dẫn đến việc hình thành siêu lục địa.
Sau khi các lục địa "khắc nhập" thành một siêu lục địa, lực kéo từ bên trong sâu Trái đất sẽ dừng lại, nhưng ở đâu đó bên trong siêu lục địa, lớp manti nóng vì mang nhiệt của lõi Trái đất sẽ lại đảo lên và xé rời siêu lục địa thành các lục địa. Vòng lặp này liên tục diễn ra.
Mô phỏng Trái đất với siêu lục địa Á - Mỹ (Nguồn: NICOLLE R. FULLER/SCIENCE SOURCE).
Dựa vào những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhà địa vật lý học Ross Mitchell dự đoán siêu lục địa tiếp theo trên Trái đất sẽ xảy ra ở khoảng 200 triệu năm tiếp theo khi Châu Á và Châu Mỹ sáp nhập, gọi là Châu Á - Mỹ - Amasia.
Các nhà nghiên cứu nhận định siêu châu lục này sẽ xuất hiện khi Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương biến mất.
Với Ross Mitchell, ông cho rằng siêu lục địa Amasia sẽ hình thành khi Bắc Băng Dương bắt đầu biến mất, Châu Âu và Châu Á sẽ bắt đầu dính lấy nhau từ Bắc Cực, dần dần kéo các phần còn lại của lục địa vào nhau.
Theo Cục Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ thì các mảng kiến tạo đang có tốc độ dịch chuyển trung bình khoảng 1,5cm mỗi năm, tương đương tốc độ mọc của móng tay con người.
Một số vùng như duyên hải bang California có tốc độ dịch chuyển nhanh hơn, khoảng 5cm mỗi năm; song, với dự đoán của Ross Mitchell thì sẽ chỉ có con cháu chúng ta kiểm chứng được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận