Thế giới

Thái Lan quyết triệt băng mafia xe ôm

02/10/2014, 13:17

Giới chức Thái Lan vừa đề xuất ba chiến dịch nhằm giải quyết vấn nạn dịch vụ xe ôm hoạt động chui, mua đi bán lại đồng phục, bắt chẹt khách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.

Lái xe ôm đang chờ khách gần chợ Chatuchak tại Bangkok
Lái xe ôm đang chờ khách gần chợ Chatuchak tại Bangkok


Xe ôm “chặt chém”


Tại Thái Lan dịch vụ xe ôm hoạt động dưới sự quản lý nghiêm ngặt của Cục Giao thông đường bộ. Các điểm chờ đón khách phải có đăng ký, lái xe ôm phải mặc đồng phục. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng xe ôm bán lại đồng phục, hoạt động chui, bảo kê xe ôm diễn ra phổ biến. Nhiều hành khách đã bị bắt chẹt với giá cắt cổ khi chỉ đi vài km.

Theo thống kê mới nhất, chỉ riêng Bangkok có khoảng 6.300 điểm xe ôm đón khách; trong đó, 5.300 điểm có đăng ký với Cục Giao thông Đường bộ, còn lại là những điểm bắt khách chui. Hiện Bangkok có khoảng hơn 100 nghìn lái xe ôm “chui”, nhiều người từng có tiền án tiền sự, một số khác không có bằng lái xe.

"Cả hai lực lượng quân đội và cảnh sát đều xác định sẽ kiên quyết với vấn nạn mafia xe ôm. Mọi hành vi vi phạm pháp luật bất chấp là quan chức hay nhân vật có ảnh hưởng nào bị phanh phui, chính phủ sẽ có biện pháp trừng phạt nghiêm minh”.

Thiếu tướng Apirat Kongsompong
Chỉ huy Sư đoàn 1

Vệ binh Hoàng gia Thái Lan

Việc áp dụng quy định đồng phục xe ôm đã nảy sinh việc bán/cho thuê lại đồng phục với giá cắt cổ. Nếu đăng ký sang tên đổi chủ đồng phục với Cục Giao thông đường bộ, lái xe chỉ phải trả khoảng 10 nghìn baht (6,5 triệu VND).

Nhưng trên thị trường chợ đen, có thời giá lên đến 400 nghìn baht (262 triệu VND). Thậm chí có hiện tượng lái xe ôm cho thuê đồng phục theo tháng với khoảng 6 - 7 nghìn baht/tháng. Áo của mỗi điểm bắt khách có giá khác nhau, tùy thuộc điểm đón đó có số lượng khách đông hay ít.

Về giá đi xe ôm, theo quy định của Cục Giao thông đường bộ thì dưới hai km không quá 25 baht, tuy nhiên, do phải thuê, mua lại đồng phục nên nhiều tài xế đã ra sức “chặt chém” hành khách để “thu hồi vốn”. Có trường hợp, hành khách bị “chém” tới 500 baht (hơn 320 nghìn VND) khi chỉ đi vài km. Thậm chí, có người khai báo với cảnh sát, việc bị “bắt chẹt” tới 800 baht cho quãng đường ngắn ra bến xe.


Chủ tịch Hiệp hội Taxi Xe máy Thái Lan - Chalerm Changtongmadun cho biết, một số nhân vật sừng sỏ hoặc có ảnh hưởng trong hàng ngũ cảnh sát, quân nhân, thậm chí là chính trị gia đã lợi dụng chức quyền và vị trí công tác bảo kê cho những băng nhóm xe ôm “chui”. Ước tính năm 2014, các lái xe ôm phải trả phí bảo kê lên tới 3 tỷ baht.

Cấp thẻ nhận dạng


Mới đây, trong cuộc họp liên ngành Cảnh sát - Quân đội đề xuất ba chiến dịch nhằm quét sạch các vấn đề tồn đọng lâu nay của dịch vụ xe ôm. Thứ nhất, hệ thống lại các điểm bắt khách; Yêu cầu tất cả các điểm chờ xe ôm phải công khai giá; Xin giấy phép khi lập điểm chờ xe ôm mới.

Thứ hai, những người hành nghề xe ôm phải đăng ký xe là phương tiện sử dụng cho mục đích thương mại trước khi cung cấp dịch vụ. Thứ ba, thành lập một Ủy ban bao gồm cảnh sát, quân đội, quan chức trong Cục Giao thông đường bộ chịu trách nhiệm điều tra 30 nhân vật (cựu công chức hoặc đang đương chức) được cho là mafia nhũng nhiễu ngành xe ôm.


Về vấn đề mua bán, cho thuê áo đồng phục, Tổng Cục trưởng Cục Giao thông đường bộ Thái Lan, ông Asdsathai Rattanadilok Na Phuket thông báo, bắt đầu từ tháng 9, tất cả tài xế đang hành nghề tại Bangkok đều phải làm thủ tục đăng ký tại các văn phòng giao thông đường bộ thành phố. Sau khi đăng ký, các lái xe ôm sẽ được cấp nhận thẻ nhận dạng (ID) và áo có in số ID mới.

Điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng bán/cho mượn/cho thuê đồng phục và giúp giới chức kiểm soát số lượng tài xế và đồng phục phát ra. Ông Asdsathai đánh giá, quy định đăng ký này là một phần quan trọng trong chính sách của NCPO nhằm tái tổ chức giao thông công cộng TP Bangkok nói riêng và toàn đất nước nói chung.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.