Dự án có tổng vốn cao nhất lịch sử
Ý tưởng về việc xây dựng 9 hòn đảo nhân tạo tạo thành bức tường chắn sóng trên vịnh Thái Lan đã được cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đưa ra tại buổi trao đổi cấp cao "Tầm nhìn Thái Lan 2024", tổ chức tại Bangkok hôm 22/8.
Theo thiết kế dự án, mỗi hòn đảo sẽ có diện tích khoảng 50km2, nằm cách bờ biển khoảng 1km, trải dài từ vùng biển ngoài khơi thủ đô Bangkok đến tỉnh Chon Buri. 9 hòn đảo sẽ kết nối với nhau bằng đê, kết nối với đất liền bằng cầu vượt biển.
Nhìn từ trên cao, các hòn đảo sẽ tạo thành các ký tự trong bảng chữ cái tiếng Thái.
Theo ông Plodprasop Suraswadi, cựu Phó thủ tướng, hiện giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chính sách Môi trường đảng Pheu Thai, bức tường chắn sóng sẽ giúp bảo vệ Bangkok và các tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng trước nguy cơ lũ lụt do nước biển dâng cao.
Ông cho biết thêm, những hòn đảo này sẽ được phát triển thành các cộng đồng xanh, thông minh, bền vững, sử dụng nguồn năng lượng gió và mặt trời, kiến tạo thêm không gian cho người dân sinh sống và các doanh nghiệp hoạt động.
Ông Plodprasop khẳng định, đảng Pheu Thai đã nghiên cứu nhiều biện pháp phòng, chống lũ lụt, bao gồm các dự án kè chắn sóng, để bảo vệ thủ đô và các khu vực xung quanh trong tương lai. Dự án này thậm chí đã được chính quyền cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa vào danh sách ưu tiên của chính phủ.
Lãnh đạo môi trường đảng Pheu Thai nói thêm, dự án khả năng cao sẽ giao cho khối tư nhân đầu tư, được quyền khai thác các hòn đảo trong 99 năm với nhiều mục đích khác nhau. Hết thời hạn trên, đảo sẽ được bàn giao lại cho nhà nước.
"Toàn bộ đất nước sẽ được hưởng lợi từ dự án này vì không chỉ bảo vệ thủ đô và các tỉnh khác ở khu vực Đồng bằng Trung tâm khỏi tình trạng lũ lụt mà còn kích thích phát triển nền kinh tế", ông nói.
Theo ông Plodprasop, nếu được chấp thuận, đây sẽ là dự án có tổng số vốn cao nhất Thái Lan từ trước đến nay, mất hơn 20 năm để hoàn thành. Do đó, cần có cam kết chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy dự án thành công.
Ông Plodprasop cũng viện dẫn thành công trong quá trình cải tạo ven biển để phòng tránh thiên tai ở một số nơi như Hà Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Còn nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, dự án xây 9 hòn đảo ngăn lũ lụt đã vấp phải chỉ trích từ nhiều tổ chức, cá nhân do lo ngại về các tác động đối với môi trường cũng như hiệu quả dự án.
Ông Petch Manopawitr, thành viên Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cho biết các dự án cải tạo trên đi ngược xu hướng tận dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, trong đó tập trung cải thiện môi trường sinh thái địa phương, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng nhằm đối phó tác động tiêu cực do mực nước biển dâng cao.
Ngoài ra, ông cho biết Bangkok vốn nằm trong vùng đồng bằng trũng thấp, dễ ngập lụt vào mùa mưa, do đó cần tập trung cải thiện quy hoạch đô thị.
Trong đó các công viên cần bổ sung thêm nhiều không gian chứa nước hơn. Hệ thống kênh rạch trong thành phố cũng cần được nạo vét và đào sâu hơn để tăng sức chứa.
Ông Petch cũng chỉ ra rằng dải bờ biển dài ven vịnh Thái Lan có các cánh rừng ngập mặn, là nơi cư trú của vô số loài sinh vật biển, là điểm dừng chân của các loài chim di cư, đồng thời kiến tạo ngư trường đánh bắt tiềm năng cho ngư dân địa phương.
"Bất kỳ công trình xây dựng lớn nào trong khu vực sẽ phá hủy những giá trị tự nhiên này", ông Petch cảnh báo.
Các chuyên gia khác cũng đồng quan điểm, nhấn mạnh dự án sẽ tác động tiêu cực, hủy hoại đa dạng sinh học trong khu vực, do đó cần xem xét lại phạm vi và ảnh hưởng.
Trong khi đó, ông Thon Thamrongnawasawat, chuyên gia Đại học Kasetsart, cho rằng không dễ dàng để triển khai công trình trên bởi dự án đòi hỏi khoản ngân sách khổng lồ, tương tự như dự án tuyến giao thông xuyên qua vịnh Thái Lan kết nối tỉnh Chon Buri với tỉnh Prachuap Khiri Khan hiện vẫn nằm trên giấy.
Ông nói thêm, những mô hình thành công ở nước ngoài chưa chắc đã áp dụng được ở Thái Lan bởi mỗi quốc gia đều có cảnh quan và đặc điểm địa lý khác nhau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận