Từ sáng sớm, các phương tiện di chuyển nườm nượp qua khu ổ chuột thuộc quận Payatas, thành phố Quezon, nằm ngay phía Bắc thủ đô Manila.
Vào 9h sáng, nhiệt độ khoảng 30 độ C và còn tiếp tục tăng. Một chiếc xe tải đi đến, nhiều người lập tức bốc dỡ các loại rác thải của buổi sáng và di chuyển vào đằng sau chiếc cổng sắt han gỉ của cửa hàng mang tên “Tạp hoá của Joe”.
Với những người ở khu vực khác, đống rác ngổn ngang đó là đồ bỏ đi nhưng với những con người tại khu ổ chuột Payatas, đó lại là nguồn sống.
Từ rác lên bàn ăn
Payatas là thị trấn nghèo được xây dựng trên bãi rác. Những cửa hàng tạp hoá như thế này là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế địa phương. Bên trong, không gian nhỏ hẹp của cửa hàng tràn ngập các bao tải rác.
Chủ cửa hàng là bà Joe Bolon đã trả 6 peso (tương đương 2.300 VND) cho 1kg đồ thải. Hàng được giao đến trước khi trời sáng, sau đó nhân viên cửa hàng sẽ dỡ các bao tải, chọn lọc và chia thành túi, chúng sẽ lại được bán với giá gấp gần 4 lần - 18 peso/kg (hơn 8.000 VND).
Trong khi một số nhân viên nhặt thức ăn thừa để rửa lại và bán, một nhân viên nam khác làm công việc tách vỏ dưa hấu làm thức ăn cho lợn với giá 150 peso/bao.
Bà Myrna Salazar là người phụ nữ duy nhất làm việc tại cửa hàng này. Dù mới 40 tuổi nhưng có bề ngoài và dáng vẻ từng trải. Người phụ nữ này chuyển đến thủ đô Manila từ 30 năm trước và làm công việc thu gom rác tại Payatas 20 năm nay.
Với bề dày kinh nghiệm, bà có thể lựa ra những món đồ giá trị trong cả “biển” rác thải; bàn tay bới rác nhanh thoăn thoắt.
Một số loại thức ăn thừa như thịt lợn hoặc thịt gà sẽ được để riêng để rửa đi và nấu lại bán cho người dân xung quanh. Loại thức ăn này được người dân địa phương gọi là pagpag. Dù chỉ là đồ ăn thừa được tái chế nhưng nó vẫn là nguồn cung cấp protein và năng lượng cho những miệng ăn luôn đói ngấu ở khu ổ chuột Payatas.
Thực chất, những thực phẩm thừa như thế này tồn tại rất nhiều rủi ro về sức khoẻ. Ông Cristopher Sabal, một sĩ quan cấp cao tại Ủy ban Chống nghèo đói Quốc gia (NAPC) cho biết:
“Chúng ta không thể nhìn thấy vi khuẩn, không thể biết thức ăn thừa đó bẩn tới cỡ nào qua bề ngoài. Pagpag không hề có chất dinh dưỡng, thậm chí còn ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em. Ngoài ra, loại thức ăn này còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm gan A, dịch tả, thương hàn...”.
Có lẽ, chưa cần tới những nghiên cứu sâu xa cũng đủ biết qua những thực phẩm thừa này có thể có vấn đề về an toàn vệ sinh nhưng với những người dân nghèo như bà Salazar, suy nghĩ của họ chỉ dừng lại ở việc làm sao lấp đầy dạ dày và có sức để lao động chứ không quan tâm tới vệ sinh thực phẩm hay ngon miệng.
“Chúng tôi thường rửa những miếng thịt thừa thật kỹ sao cho không còn mùi, lúc đó chế biến lại mới ngon. Chúng tôi nấu hoặc chiên thịt lên và cho các con ăn”, bà Salazar chia sẻ và khẳng định: “Nếu bạn có hệ miễn dịch khoẻ thì không lo bị ốm”.
“Chúng tôi không cần tốn tiền mua đồ ăn ngoài chợ (dù chỉ cách nhà vài bước chân). Thỉnh thoảng chúng tôi còn tìm thấy gạo, dầu ăn, nước tương trong thùng rác, tất cả đều miễn phí”, người phụ nữ 40 tuổi chia sẻ. Theo bà, mỗi tuần, gia đình bà ăn tới 4 bữa pagpag.
“Thực tế đáng buồn”
Bà Salazar có 4 người con; chồng bà cũng làm việc tại “Tạp hoá của Joe” với nhiệm vụ phân loại rác. Mỗi ngày, hai vợ chồng bà kiếm được 1.000 peso (tương đương hơn 400 nghìn VND). Tiền lương được trả tuỳ thuộc vào lượng rác thải.
Ở Payatas, những bữa cơm làm bằng đồ thừa gần như là cơm bữa bởi người dân ở đây quá khó khăn và buộc phải tằn tiện. Đất đai khô cằn không thể trồng lúa, đã rất nhiều thế hệ lớn lên trong khổ cực.
Năm 2000, một trận lở rác kinh hoàng xảy ra ở khu vực được biết đến với cái tên Lupang Pangako (tạm dịch là “Miền đất hứa”) thuộc thị trấn Payatas đã cướp đi sinh mạng của 218 người.
Đây là số liệu chính thức từ giới chức địa phương nhưng thực tế có lẽ còn cao hơn. Vụ sạt lở xảy ra khi rất nhiều vật liệu dễ cháy trong núi rác ở Lupang Pangako bất ngờ phát nổ gây ra thảm hoạ đau đớn. Sau đó, “miền đất hứa” đã bị đóng cửa trong khi có hàng trăm người còn bị chôn vùi bên dưới những đống rác.
Gần đây nhất, thị trấn Payatas trở thành một trong những điểm diệt trừ nạn ma tuý đẫm máu nhất trong cuộc chiến chống lại “cái chết trắng” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Người dân địa phương cho biết, thời kỳ đỉnh điểm giai đoạn 2016-2017, có quá nhiều người bị giết trong các cuộc đàn áp của cảnh sát hoặc bị những kẻ buôn ma tuý truy sát bịt đầu mối.
Theo ông Cristopher Sabal, một sĩ quan cấp cao tại Ủy ban Chống nghèo đói Quốc gia (NAPC), việc tiêu thụ pagpag thực sự dẫn đến rất nhiều vấn đề.
Ông nói: “Rất nhiều người dân nghèo ở đô thị sống gần các bãi rác như thế này. Họ đang sống ở những khu vực dễ bị tổn thương, nguy hiểm nhất. Họ không được tiếp cận những điều kiện sống thiết yếu căn bản, hầu hết là nạn nhân của việc lạm dụng, phụ thuộc vào thuốc phiện.
Người dân không được tiếp cận những chương trình hỗ trợ để đủ tiền mua các nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình. Đó là thực tế đáng buồn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận