Nghệ nhân vẽ tranh lên gốm Chu Đậu |
Khoảng từ thế kỉ thứ 13 đến thế kỉ thứ 17, gốm sứ Chu Đậu theo chân các thương thuyền Nhật Bản qua cửa Phố Hiến (TP Hưng Yên bây giờ) đi khắp thế giới. Bằng chứng ư? Khi trục vớt một chiếc tàu đắm ở Cù Lao Chàm, người ta thu được nhiều đồ gốm Chu Đậu. Rồi năm 1980, ông Makato Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong một chuyến đi châu Âu đã bất ngờ phát hiện tại Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kì) có trưng bày một bình gốm Hoa Lam cao 56cm trên có dòng chữ “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, Tương nhân Bùi Thị Hý bút”. Ông liên lạc với Tỉnh ủy Hải Dương lúc đó do ông Ngô Duy Đông làm Bí thư. Một cuộc khai quật rộng lớn đã diễn ra trên địa phận hai xã Minh Tân và Thái Tân, huyện Nam Sách và cả một kho di tích khổng lồ về gốm sứ đã hiện ra trước sự kinh ngạc của dân làng và khách quốc tế. Thì ra đây chính là quê hương của gốm men rạn danh bất hư truyền. Một ý tưởng phục hồi làng nghề Chu Đậu được hé mở.
Nhưng ở thế kỉ thứ 20 khi công nghệ phát triển, không thể làm thủ công như bà tổ Bùi Thị Hý nữa, hay sản xuất nhỏ kiểu hợp tác xã, tổ sản xuất như Bát Tràng. May thay có ông Nguyễn Huy Thắng, người quê gốc Chu Đậu, lãnh đạo Công ty Thương mại Hapro Hà Nội quyết tâm thực hiện một nhiệm vụ cực kì khó khăn nhưng cũng đầy triển vọng. Một công xưởng rộng hơn 30.000m2 được tỉnh giao cho Hapro xây dựng bao gồm nhà trưng bày, nhà thờ bà Tổ nghề Bùi Thị Hý, nhiều nhà sản xuất rộng lớn với các máy móc thiết bị chuyên dụng, các lò nung và công viên.
Tại tòa nhà trưng bày, hàng ngàn sản phẩm gốm Chu Đậu men rạn với muôn hình vạn trạng dễ làm người xem choáng ngợp và sẵn sàng móc hầu bao để mang về một bình hoa quý giá vài ba chục triệu, một bộ bát sứ trắng tinh 10 chiếc, mỏng tang giá 3-4 triệu đồng hoặc một bộ bàn ghế để vườn giá mười lăm, hai chục triệu.
Đắt xắt ra miếng. Thứ gốm Chu Đậu “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông” đã được nửa thiên niên kỉ của thế giới tín nhiệm.
Thành lập từ năm 2000, công xưởng Chu Đậu đã xuất chuyến hàng đầu tiên đi Tây Ban Nha và giờ đây đi nhiều nước trên thế giới, mỗi năm thu về hàng trăm tỉ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận