Tối qua 25/4, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất- Bạc Liêu 2014 đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Hùng Vương (TP Bạc Liêu) với chương trình nghệ thuật hội tụ hơn 500 nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, thầy đờn của 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhiều cán bộ, nguyên các bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương trong vùng và hàng chục nghìn người dân tỉnh Bạc Liêu, các tỉnh lân cận... đã tham dự.
Đã từ lâu, Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nam Bộ. Đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật dân dã, là một nét đẹp văn hóa không chỉ được người dân Nam Bộ say mê mà đã lan tỏa ra toàn quốc và cả trên thế giới. Chính vì vậy, loại hình nghệ thuật này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ khai mạc Festival đơn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, được tổ chức khá hoành tráng với các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, đạo cụ... sắp đặt theo mô hình ruộng đồng, sông nước, miệt vườn... tạo ra một bức tranh toàn cảnh của không gian văn hóa đờn ca tài tử. Hòa quyện vào không gian đó là các tiết mục “Còn mãi 20 bản tổ”; bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ của Cao Văn Lầu; bài ca cổ “Văng vẳng tiếng chuông chùa” của nghệ sĩ Năm Nghĩa; bài vọng cổ “Sầu vương biên ải” của Thái Thụy Phong.... Qua đó đã tái hiện lịch sử hình thành và phát triển, những vẻ đẹp, độc đáo có một không hai của nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Dũng - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban chỉ đạo Festival cho biết: Lịch sử ghi lại rằng, từ những thập niên giữa và cuối thế kỉ thứ XVII, những đoàn người hướng về phương Nam, trong hành trang mang theo có cả những âm điệu quê nhà. Sự thay đổi của phong thổ, đất đai cùng sự hào phóng của thiên nhiên nơi vùng đất mới đã làm thay đổi tính cách những lưu dân, họ trở nên rộng mở hơn, thoải mái hơn… Lần hồi đã hình thành nên tính cách phóng khoáng, hào hiệp, nghĩa tình của những người dân phương Nam; hình thành nên văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn và hòa quyện trong giao thoa của nền văn hóa cộng cư Kinh, Khmer, Hoa… Cùng với đó, một loại hình nghệ thuật mới ra đời trên nền tảng âm nhạc cung đình Huế, nhạc lễ Nam bộ, cùng những điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng, đó là Đờn ca tài tử Nam bộ... Những câu ca, điệu đờn ấy không chỉ là những câu ca, điệu đờn, mà chính là tình người, tình đất phương Nam, chính vì vậy mà nó không chỉ tồn tại và thăng hoa trong phạm vi Nam bộ, mà còn lan tỏa đến cả trong và ngoài nước, để đến hôm nay, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được cả thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Bạc Liêu ý thức sâu sắc rằng: Bản sắc văn hóa Nam bộ chính là động lực để Nam bộ phát triển, mà nghệ thuật đờn ca tài tử là yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ấy.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngày 11/2 vừa qua, tại TP.HCM đã tổ chức đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đối với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đó là niềm vinh dự, tự hào của Việt Nam nói chung và của 21 tỉnh, thành Nam Bộ nói riêng và cũng là trách nhiệm lớn lao của chúng ta đối với việc phát huy và gìn giữ những di sản quý báu, tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền lại.
Mặc dù đây là lần đầu tiên Bạc Liêu tổ chức một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia và cũng là lần đầu tiên có một Festival về Đờn ca tài tử, nhưng tinh thần “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” đã giúp cho lễ hội mang đậm “tình người, tình đất phương Nam” đủ để luyến lưu mỗi bước chân du khách.
Hồng Thủy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận