Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn |
Nhất trí tham gia
Sáng 23/10, Quốc hội (QH) nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn).
"Án oan sai là do năng lực của một số cán bộ, lười thực hiện các biện pháp điều tra, lấy việc đánh đập để buộc đối tượng phải khai báo, rồi từ đó mới điều tra. Thứ hai là đạo đức công vụ kém, coi thường sức khỏe, tính mạng con người”. Ông Đỗ Văn Đương Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp |
Theo Chủ tịch nước, việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại.
Đơn cử như về vấn đề dẫn độ tội phạm: “Việt Nam không coi Công ước này là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ mà thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc nguyên tắc có đi, có lại”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Công ước chống tra tấn, tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, việc trở thành thành viên chính thức của Công ước cũng đặt ra yêu cầu về việc nội luật hóa một số quy định của Công ước cũng như tăng cường năng lực của các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi đầy đủ các quy định của Công ước.
”Chẳng hạn, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tội danh tra tấn; Từ chối dẫn độ đối với người có nguy cơ bị tra tấn, chưa quy định cụ thể việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân bị tra tấn... Các nội dung này đã được Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng nói.
Có giảm được án oan?
Thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc khổ đau nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như: Lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba; Hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện; Hoặc để đe dọa hay ép buộc người đó hay người thứ ba; Hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.
Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984, có hiệu lực thi hành ngày 26/6/1987 và hiện có 155 quốc gia thành viên, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước, trong đó có Việt Nam. |
Bên hành lang QH, trao đổi với báo chí, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương khẳng định, việc phê chuẩn Công ước là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan cũng như những người liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm phải tôn trọng những quyền của người phạm tội không bị pháp luật tước bỏ như tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm.
“Án oan sai là do năng lực của một số cán bộ, lười thực hiện các biện pháp điều tra, lấy việc đánh đập để buộc đối tượng phải khai ra, rồi từ đó mới điều tra. Thứ hai là đạo đức công vụ kém, coi thường sức khỏe, tính mạng con người”, đại biểu TP Hồ Chí Minh nói khi được hỏi về việc liệu sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Công nước, án oan, sai có giảm.
Thậm chí, ông Đương còn đề xuất, phải quy trách nhiệm người đứng đầu, nơi nào xảy ra sai phạm thì cách chức người đứng đầu, phải có biện pháp để giáo dục, nhắc nhở, răn đe cán bộ, chiến sĩ của mình.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận