Gaza có dân số hơn 2 triệu người. Cuộc khủng hoảng đã khiến khoảng 600.000 người phải di dời. Nhiều người tìm kiếm sự an toàn trong các bệnh viện, tuy nhiên những nơi này đã quá tải vì số thương vong và tử vong ngày càng tăng.
Bệnh viện quá tải, không còn là nơi an toàn
Bệnh viện là nơi an toàn nhất để người dân trú ẩn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính nơi đây cũng dần trở nên nguy hiểm. Khoảng 500 người đã thiệt mạng hôm 17/10 trong vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở Dải Gaza.
Tiến sĩ Richard Peeperkorn, Đại diện của WHO tại tại Bờ Tây và Gaza, cho biết những người dân thường đang phải đối mặt với cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông nói: “Họ tới những bệnh viện này vì họ mong đợi đây là những nơi an toàn. Bây giờ ngay cả bệnh viện cũng không còn là nơi an toàn nữa”.
Theo Bộ Y tế Palestine ở Gaza, Bệnh viện Baptist Al-Ahli ở trung tâm Thành phố Gaza đang là nơi trú ẩn cho hàng nghìn người buộc phải sơ tán.
Ngày 17/10, Bộ Y tế Palestine công bố hơn một tuần qua, có ít nhất 3.000 người thiệt mạng, trong đó có 1.032 bé gái và 940 bé trai, đồng thời 12.500 người ở Gaza bị thương.
Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 20 nhân viên nhân đạo của Liên hợp quốc, Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đã thiệt mạng ở Gaza.
Trong khi đó, các dịch vụ y tế ở Gaza đang trên bờ vực và nguồn cung cấp thực phẩm và nước đang cạn kiệt.
Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc (UNRWA) cảnh báo 20 trong số 23 bệnh viện đang rơi vào tình trạng nguồn nhiên liệu dự trữ “gần như cạn kiệt”.
Tiến sĩ Mohammed Ghneim, bác sĩ cấp cứu trả lời 7News: "Chúng tôi bị rơi vào tình huống cực kỳ khó khăn. Những ngày tới nhiên liệu sẽ cạn kiệt, không có điện, không có máy bơm oxy… điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận người dân vào viện”.
Ông nói thêm: "Không có vật tư y tế, không có xăng, không có thuốc men - chúng tôi chẳng có gì."
Cùng cảnh ngộ, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Gaza Nadal Abed cho biết anh và những người đồng nghiệp của mình đang làm việc suốt 24 giờ nhưng vẫn bị quá tải.
Nhiều bệnh nhân thậm chí phải chờ vài ngày để được phẫu thuật. “Có quá nhiều bệnh nhân trong khi đội ngũ y tế không đủ.”
Bác sĩ Ahmed Mhanna, người quản lý 2 chi nhánh của Bệnh viện Al-Awda, cho biết các bác sĩ đang bị quá tải vì số bệnh nhân ngày càng tăng lên.
Kiệt sức và từ bỏ
Giám đốc điều hành tổ chức Bác sĩ Không biên giới Avril Benoit cho biết nhiều người trong số 300 nhân viên ở Gaza - bao gồm các bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật và y tá - bỏ cuộc để giành lấy mạng sống cho bản thân và gia đình.
Benoit nói: “Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã quyết định từ bỏ, rời khỏi Gaza cùng gia đình để tìm kiếm sự an toàn… Họ kiệt sức rồi.”
Y tá Abu Elias Shobaki nói với phóng viên APNews: “Tôi kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần. Hàng giờ tôi phải tự trấn an bản thân, hạn chế suy nghĩ về những tình huống xấu nhất.”
Mặt khác, nhiều bác sĩ và y tá khác đã chọn ở lại và tiếp tục làm việc tốt nhất có thể để giúp đỡ những người gặp nạn.
Là một trong những người còn bám trụ tại Gaza, bác sĩ nhi khoa Ehab Bader cho biết việc cứu chữa cho bệnh nhân ngày càng tuyệt vọng: “Tình hình ở bệnh viện thật thảm khốc. Chúng tôi chỉ còn vài giờ nữa là hết điện.”
Bader cho biết, nguồn điện của bệnh viện đến từ các máy phát điện khí đốt. Điều này đặt các đội phẫu thuật vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ông cũng đặc biệt lo lắng về việc nhiều bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt sẽ không có máy thở và các máy móc y tế khác.
Theo The Guardian, CNN, NPR, CBC News
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận