Qua hơn 10 năm hoạt động, với thiết kế gần gũi, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt là không gian mở sẵn sàng đón mọi người đến tham quan, tìm hiểu giá trị và công lao to lớn của vị Thủ tướng gần dân.
Không gian mở với người dân, du khách
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nằm trên quê hương ông tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, xây dựng năm 2010, khánh thành sau 2 năm, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Nơi đây hiện lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh quá trình hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng.
Khu lưu niệm rộng 1,7ha, ngoài đón những đoàn khách của Trung ương và địa phương, hàng ngày còn có rất nhiều người dân, du khách đến thắp hương tưởng niệm ông.
Bên trong, khu thờ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xây dựng trang nghiêm nằm trên trục chính của khu lưu niệm.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết, cách khu thờ khoảng 50m là nhà trưng bày "Vườn ông Sáu Dân" (tên người dân thường gọi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời).
"Đây là công trình được tỉnh Vĩnh Long, gia đình ông Sáu Dân và nhiều chuyên gia lên ý tưởng và xây dựng trong 11 tháng. Tất cả đều chung sức để kịp tiến độ nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác Sáu", bà Thảo nói.
Khu trưng bày là một không gian mở, sử dụng cách tiếp cận hiện đại, cung cấp thông tin hình ảnh đa dạng, phong phú về cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua 8 chủ đề chính: Dạ, tôi là Sáu Dân; Nghe ngược, nghe xuôi; Chủ "Xé rào"; Đột phá; Văn hóa; Tương lai thuộc về giới trẻ; Một đời người, một rừng cây.
Năm 2003, tỉnh Vĩnh Long xây khu nhà nghỉ (nằm trong khuôn viên khu lưu niệm hiện nay) để khi về miền Tây công tác, cố Thủ tướng nghỉ ngơi, thăm quê và trò chuyện cùng cán bộ, người dân địa phương.
Bàn làm việc đơn sơ mộc mạc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Bàn làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Khu vực nghỉ ngơi của cố Thủ tướng.
Góc bình yên trong khu tưởng niệm.
Mùa màng bội thu nhờ có kênh T5
Tại huyện Vũng Liêm hiện có đình Bình Phụng, nơi họp chi bộ Đảng đầu tiên do Phan Văn Hòa, còn gọi Chín Hòa, tên thật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo. Đây cũng là nơi xuất phát của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ do ông lãnh đạo.
Đình Bình Phụng nay trở thành di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Vĩnh Long. Một tấm bia tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, do chính cố Thủ tướng lập đã được dựng tại đây.
Tiếng là quê nhà của Thủ tướng, nhưng xã Trung Hiệp rất đơn sơ, bình dị. Thời còn đương chức chức, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm sự với người dân nơi đây: “Tôi làm Thủ tướng nhưng không dám lo cho quê hương vì sợ mọi người cho rằng mình lo cho cá nhân nhiều quá”. Nơi quê hương, người thân của ông hầu như không còn ai, hai người anh đã mất, bà con, họ hàng ly tán.
Nói về công trình đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhớ lại: Khi còn đương chức, Thủ tướng đã cùng lãnh đạo tỉnh An Giang với nhiều chuyên gia nhiều lần thị sát vùng tứ giác Long Xuyên để tìm giải pháp phù hợp phát triển nông nghiệp.
Mùa khô năm 1997, Thủ tướng quyết định cho khai hoang “vùng đất chết” nhiễm phèn ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đào kênh thoát lũ, tháo phèn vùng trũng để quy hoạch trồng lúa.
Chỉ sau hơn 4 tháng, ngày 30/9/1997, công trình hoàn thành đúng tiến độ, kịp xả lũ đầu mùa. Kênh T5 đã dẫn nước từ sông Hậu vào rửa phèn cả các cánh đồng Tà Đảnh, cánh đồng Châu Phú… rồi đổ ra biển.
"Khi thông tuyến kênh T5, đã cho nhiều hiệu quả bất ngờ hơn mong đợi, nông dân trồng lúa liên tục được mùa bội thu. Nơi đây, giờ mang đầy sức sống mới với con kênh mang tên Võ Văn Kiệt”, ông Nhị chia sẻ.
Sáng 23/11, tại tỉnh Vĩnh Long, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới dự và có bài phát biểu xúc động, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tri ân công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Nhiều công trình trọng điểm mang "dấu ấn Võ Văn Kiệt"
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân), sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Năm 1938, khi mới 16 tuổi, ông tham gia tổ chức Thanh niên phản đế; tháng 11.1939, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đồng chí Võ Văn Kiệt trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau.
Sau khi đất nước thống nhất, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX (tháng 10/1992), ông Võ Văn Kiệt được bầu làm Thủ tướng Chính phủ.
Dưới sự lãnh đạo kiên quyết, táo bạo, trên tinh thần “đổi mới toàn diện” của Chính phủ, đất nước ta đã có bước phát triển to lớn về kinh tế - xã hội.
Nhiều công trình trọng điểm của đất nước mang đậm “dấu ấn Võ Văn Kiệt” được xây dựng trong thời kỳ này như: Đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam; Đường Hồ Chí Minh; Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; Công trình Thủy điện Trị An; Chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận