Hệ giàn chắn bán tự động lắp đặt tại các đường ngang do công ty thi công |
Để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu xuôi ngược, luôn có những con người âm thầm làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm để giữ cho hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt thông suốt, an toàn. Chúng tôi gọi những người làm nghề thông tin tín hiệu đường sắt là những người “dẫn lối những đoàn tàu”.
Chỉ người trong nghề mới hiểu...
Ngày 1/10/2013, trận lụt lịch sử do xả lũ cứu hồ chứa nước Vực Mấu tại Nghệ An làm toàn bộ khu vực huyện Quỳnh Lưu bị ngập, kèm theo đó là hệ thống đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam cũng bị tê liệt. Lúc này, toàn bộ hệ thống thông tin tín hiệu (TTTH) ở khu vực bị vô hiệu, nếu không kịp thời khắc phục sửa chữa và thông báo cho các đoàn tàu đang sắp hành trình qua đây, thảm họa sẽ xảy ra. Ngay lập tức, những kỹ sư, công nhân Công ty TNHH MTV TTTH đường sắt Vinh (nay là Công ty Cổ phần TTTHĐS Vinh) vừa điện thoại thông báo cho bộ phận điều độ phân bổ lại lịch tàu, vừa sẵn sàng trang thiết bị lên đường sửa chữa hệ thống TTTH. Hai ngày đánh vật dưới trời mưa và nước lớn tại Cung đường sắt Hoàng Mai để tái lập hệ thống TTTH. Khi nước vừa rút, cũng là lúc hệ thống TTTH được khôi phục, các chuyến tàu ra Bắc vào Nam lại có thể tiếp tục hành trình.
Đó chỉ là một trong số muôn vàn những câu chuyện mà những người làm nghề thông tin tín hiệu đường sắt ở Công ty CP TTTH Đường sắt Vinh gặp phải trong gần 30 năm hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu.
Ông Nguyễn Văn Hưng giới thiệu về hệ thống quản lýgiám sát thông tin tín hiệu tại các đường ngang |
Chuyện dở khóc dở cười
Kỹ sư Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Công ty CP TTTH Đường sắt Vinh kể: “Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, khi hệ thống TTTH còn sử dụng tín hiệu cánh (loại tín hiệu thô sơ gắn trên cột tín hiệu để thông báo cho tàu được vào, ra hay không được vào, ra ga - PV), tàu đến, tàu đi phải lấy thẻ đường, tôi mới là kỹ sư tập sự. Năm đó, tôi làm việc ở Hạt TTTH Nghệ Tĩnh 2, được giao nhiệm vụ quản lý kỹ thuật tín hiệu từ ga Vinh đến ga La Khê. Thời điểm này khi có tàu, gác ghi phải kéo dây tời hạ cánh thông tin báo hướng đường tàu vào. Nhưng với cách làm thủ công, nhiều lần khi tàu đi tới, dây tời bị kẹt mà anh em đứng dưới không kéo được cánh tín hiệu, người trực TTTH đành phải trèo lên cột tín hiệu dùng sức vít cánh xuống cho tàu vào ga đúng giờ. Thế nhưng làm vậy lại là vi phạm quy định của ngành”.
Rồi còn đó chuyện “rơi cái thẻ đường”. Vốn cái thẻ đường được coi là thẻ thông hành với các lái tàu, nhưng vì nó nhỏ gây khó khăn trong lúc trao chuyển giữa trực ban và lái tàu nên nó được gắn thêm vào một cái vòng để nâng kích thước. Vậy là có lần, lái tàu nhận thẻ ở cuối ga, nhưng khi vào đến khu gian thì thẻ đường đã rơi mất, còn chừa lại mỗi cái vòng. Vậy là cả lái tàu, trực ban phải nháo nhác tìm kiếm, vì nếu không thấy bị coi là lỗi phải lập biên bản.
Và những sáng kiến vượt khó
Cũng trong thời kỳ khó khăn ấy, những người làm nghề TTTH đã có sáng kiến cải tiến thay thế hệ thẻ đường trao tay bằng cách dùng hộp giao thẻ tự động gắn trên đầu máy, giúp lái tàu không còn phải rời cabin mà vẫn có thể rút, cắm thẻ thông đường. Với “sáng chế” này, thời gian cho tàu vào khu gian đã được kéo giảm từ 30 giây - 1 phút.
Đến năm 1993, khi ngành Đường sắt chủ trương nâng cao tốc độ chạy tàu, hệ thống TTTH cũng bắt đầu được nâng cấp. Hệ thống tín hiệu đèn màu, bán tự động được đưa vào hoạt động. Chiếc thẻ đường biến mất, đoàn tàu ra vào ga bằng tín hiệu đèn màu do trực ban ga điều khiển.
6 năm sau, hệ thống TTTH đường sắt một lần nữa được cải tiến. Lúc này, hệ thống TTTH điện khí tập trung kiểu Domino 70E - một trong các hệ thống tiên tiến nhất của thế giới, được đưa vào triển khai thử nghiệm thay cho hệ thống TTTH ở ga Vinh. Những kỹ sư công nhân Việt Nam vốn chỉ quen lắp đặt vận hành các thiết bị giản đơn, còn nặng tính thủ công, nay chuyển sang hệ thống hiện đại, dùng công nghệ tự động không tránh khỏi bỡ ngỡ.
“Ban đầu với sự giúp sức từ các chuyên gia nước ngoài, hệ thống được lắp đặt, vận hành tốt. Thế nhưng khi các chuyên gia nước ngoài về nước, gặp những sự cố phát sinh bất ngờ, chúng tôi phải tự mày mò tìm cách khắc phục”, Phó giám đốc Công ty CP TTTH Đường sắt Vinh, ông Lê Thành Nam kể.
Năm 2005, một lần nữa hệ thống TTTH chặng Hà Nội - Vinh được đầu tư nâng cấp bằng một hệ thống hiện đại hơn - hệ thống điện khí tập trung liên khóa SSI của Pháp. Tuy là thiết bị hiện đại, nhưng do điều kiện hạ tầng đường sắt ở Việt Nam chưa đồng bộ nên thiết bị liên tục bị trở ngại, hỏng các bộ tiếp điểm định vị ghi. Thời kỳ này, các kỹ sư TTTH Vinh đã có sáng kiến chế tạo thêm ngàm định vị chỉ bằng một mẩu ống nhựa cứng gắn ở pít-tông thủy lực trên ghi nhằm hạn chế tình trạng vỡ tiếp điểm do pít-tông đẩy quá điểm. Sáng kiến này sau đó đã được chính các nhà sản xuất nước ngoài ghi nhận và thiết kế bổ sung cho các ghi thủy lực ở Việt Nam.
Giờ việc ứng dụng tiến bộ khoa học cùng các hệ thống điều khiển TTTH tự động đã giúp những người làm nghề thông tin đỡ vất vả hơn. Nhưng không bằng lòng với kết quả đã và đang có, những người làm thông tin tín hiệu tiếp tục đưa vào triển khai hệ thống cần chắn bán tự động tại các đường ngang có gác và cần chắn tự động tại đường ngang cảnh báo tự động đảm bảo an toàn cho tàu và an toàn cho người, phương tiện khi qua đường ngang, đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý theo dõi thông tin ở các đường ngang này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận