Một số xe hiển thị khi ngồi tại số 2 Điện Biên Phủ (TP Huế) vào ứng dụng đặt đi xe Grabtaxi |
Thủ tục “gia nhập” Grab tại Huế gọn nhẹ
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, Grab đã ngang nhiên trưng bảng “Điểm hỗ trợ Thừa Thiên Huế”, số hotline tại số 31 Hoàng Quốc Việt (phường An Đông, TP Huế). Trong vai người kiếm việc, PV hỏi thủ tục để được “gia nhập” Grab thế nào?, thì được trả lời “anh cứ đăng ký đi, hoàn toàn miễn phí, thủ tục đơn giản”...
Theo phản ánh, hiện không chỉ một số xe cá nhân mà ngay cả một số xe của một hãng taxi truyền thống cũng đã “gia nhập”, cài đặt phần mềm ứng dụng của Grab để hoạt động “chui” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Trên trang website Grab.com cũng phát đi thông báo: “Bắt đầu từ 18/12/2017, Grab sẽ chính chính thức áp dụng dịch vụ GrabTaxi tại Huế và Lâm Đồng!...”.
Cài đặt phần mềm Grab, PV chọn Grabtaxi cho hành trình từ số 2 Điện Biên Phủ sang chợ Đông Ba (đường Trần Hưng Đạo, TP Huế), liền được hệ thống thông báo lộ trình, tài xế, giá cước, loại xe...
5 phút sau, chúng tôi nhận được thông báo “tài xế đến nơi rồi!” và sau đó là cuộc gọi từ số di động 0901… của tài xế H.T.C. Cũng như khi đi một số hãng taxi khác, giữa số tiền “tạm tính” hiển thị trên phần mềm ứng dụng và quãng đường đi thực tế có sự “vênh” nhau.
Số tiền trên ứng dụng Grab hiển thị khi “thượng đế” đặt Grabtaxi đi từ số 2 Điện Biên Phủ sang chợ Đông Ba (259 Trần Hưng Đạo) ước tính là 42.000- 47.000 đồng, nhưng số tiền hiển thị trên đồng hồ xe taxi cho quãng đường đi thực tế là 30.000 đồng và tài xế thu 30.000 đồng.
"Tài xế đang trên đường đến đón bạn" cùng thời gian chờ... |
"Tài xế đã đến nơi rồi!" |
Sở GTVT có xử lý được hãng taxi “bắt tay” Grab?
Theo lãnh đạo taxi Mai Linh hay taxi Thành Công... tại Huế, việc Grab "góp mặt" trái quy định tại Thừa Thiên- Huế tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh. "Taxi truyền thống chịu sự quản lý rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, phải niêm yết giá, đóng các loại thuế theo quy định, truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, tài xế khám sức khỏe định kỳ... Còn Grabcar, Grabtaxi thì sao?, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý, xử lý nghiêm vi phạm để tạo nên một "sân chơi" bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh", lãnh đạo taxi Mai Linh Huế nói.
Liên quan việc Grab ngang nhiên trưng biển và hoạt động “chui” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, lãnh đạo Sở GTVT Thừa Thiên-Huế cho biết, ngày 25/12/2017, Sở GTVT đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc “đề nghị xử lý hoạt động của Grabcar”.
Trên website grab.com cũng thông báo "Bắt đầu từ ngày 18/12/2017 Grab sẽ chính thức áp dụng dịch vụ GrabTaxi tại Huế và Lâm Đồng!" |
Tại văn bản này, Sở GTVT Thừa Thiên-Huế cho biết, Công ty TNHH Grabtaxi chỉ được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành là Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Tuy nhiên, Grabtaxi đã và đang triển khai hoạt động Grabcar và Grabtaxi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo Sở GTVT Thừa Thiên-Huế cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định chế tài, xử lý đối với hành vi này (ở địa phương không có văn phòng đại diện đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật).
Theo "Điểm hỗ trợ Grab tại Huế", tài xế đến đây sẽ được "hướng dẫn cụ thể hơn, thủ tục đơn giản" |
Sở GTVT Thừa Thiên-Huế đề nghị Bộ GTVT căn cứ Quyết định số 24/QĐ-BGTVT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan xử lý vi phạm và buộc Công ty TNHH Grabtaxi dừng ngay việc triển khai hoạt động Grabcar, Grabtaxi tại Thừa Thiên-Huế. Nếu tái phạm (không riêng gì ở tỉnh Thừa Thiên- Huế), đề nghị không cho phép Công ty TNHH Grabtaxi hoạt động tại Việt Nam.
Sở GTVT Thừa Thiên- Huế đang lúng túng, không biết “đối với các xe có phù hiệu taxi khi hợp đồng với Grabcar, Sở GTVT có được quyền thu hồi phù hiệu và giấy phép kinh doanh vận tải taxi của doanh nghiệp được không"?.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận