Gỗ được chất đầy rẫy trong các nhà dân ở Bảo Lâm |
Tại hai huyện biên giới tỉnh Cao Bằng (Bảo Lâm và Bảo Lạc) bạt ngàn gỗ lậu. Gỗ được xé lẻ giấu trong nhà dân, gỗ tập kết kín chợ hải sản, thậm chí có cả “chợ” gỗ lậu của riêng gia đình trưởng thôn rộng cả nghìn m2. Việc buôn bán gỗ lậu diễn ra công khai như thể không hề e sợ cơ quan chức năng nơi đây.
Kỳ 1: Gỗ lậu tràn ngập chợ
Trong suốt hành trình từ thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm) vào các xã Nam Quang, Nam Cao, Tân Việt…, đi đến đâu, chỉ cần ngỏ ý hỏi mua gỗ, đều có người đứng ra nhận bán hoặc giới thiệu người bán gỗ.
Gỗ ngập chợ hải sản
Sau hơn 3 tháng “đặt gạch” với N.L.V, một “thổ địa” có thời gian làm lái xe thuê chở gỗ lậu ở Cao Bằng, chúng tôi bất ngờ nhận được điện thoại của V. yêu cầu có mặt tại TP Cao Bằng đi “buôn gỗ”. Vừa gặp mặt, V. yêu cầu: Không được mang máy ảnh, máy quay mà chỉ dùng điện thoại hoặc thiết bị quay lén.
Có mặt ở TP Cao Bằng vào ngày cuối tuần - thời điểm xe gỗ chạy nhiều nhất, V. cùng chúng tôi thuê một chiếc ô tô chạy thẳng lên thị trấn Pác Miầu. Trên đường đi, V. cho hay, trên Bảo Lâm, việc mua bán gỗ diễn ra như đi chợ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ma Thế Thụ, Chủ tịch UBND xã Nam Cao thừa nhận, tình trạng người dân tích trữ gỗ trong nhà và đem bán ra ngoài là có xảy ra. “Năm 2011, chúng tôi đã bắt được một vụ bán gỗ trái phép trên địa bàn xã, thu giữ 120 thanh gỗ nghiến (2mx7cmx7cm) và giao cho UBND huyện xử lý rồi”, ông Thụ nói. Khi được hỏi về số lượng gỗ cực lớn tích trữ trong nhà trưởng thôn Bản Cao, ông Thụ cho hay, chính quyền xã chưa từng hay biết về thông tin này. Vị lãnh đạo xã này cam kết sẽ thành lập đoàn kiểm tra để xác minh thông tin mà PV cung cấp. |
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là khu chợ hải sản tươi sống nằm ngay trung tâm thị trấn Pác Miầu. Đây là khu chợ lớn với tổng diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông cùng hàng trăm gian hàng. V. bấm tay tôi: “Nhớ chú ý dưới gầm các sạp và mấy xưởng gỗ quanh chợ”.
Quả đúng như lời V. nói, vừa đi đến góc chợ, tôi đã phát hiện một xưởng gỗ tập kết với rất nhiều gỗ nghiến dạng tròn và dạng hộp được che đậy sơ sài dưới tấm bạt màu xanh. Cách đó không xa, dưới gầm hai sạp hàng cũng lấp ló những hộp gỗ lớn dạng sập dày khoảng 10cm, rộng 90cm xếp chồng lên nhau.
Cách đó hơn chục mét, một xưởng mộc lớn được dựng lên ngay trong khuôn viên chợ. Gỗ xếp tràn từ trong xưởng ra tận ngoài cửa, xen kẽ giữa những đống ván gỗ tạp là hàng chục mét khối gỗ nghiến dạng thớt và lục bình được chủ xưởng xếp ngay ngắn.
Trong lúc tôi đang mải quan sát và ghi hình, một trong hai công nhân làm việc tại xưởng gỗ này bất ngờ đi ra, hất hàm hỏi: “Ê, ông tướng làm gì mà quanh quẩn ở đây nãy giờ thế hả?”. Nhận thấy tình hình bất ổn, V. chạy đến giải thích với gã này vài câu rồi ra hiệu cho chúng tôi rút lui.
Chợ gỗ “khủng” trong nhà trưởng thôn
Tại quán nước cổng chợ hải sản tươi sống Pác Miầu, chúng tôi được hướng dẫn, muốn mua gỗ thì phải vào xã Nam Cao, hỏi thăm anh Tá Quý, con trai trưởng thôn Bản Cao. Theo lời chị bán nước, Tá Quý là một trong những đầu nậu mua bán gỗ lớn nhất ở xã Nam Cao.
Từ thị trấn Pác Miầu vào xã Nam Cao khoảng 25 km, phần lớn là đường đất và đá cấp phối gập ghềnh, khó đi. Tuy nhiên, suốt quãng đường trên, quan sát các ngôi nhà ven đường hầu như nhà nào cũng tích chứa gỗ. Họ để gỗ ngổn ngang thành từng đống dưới sàn hoặc ngay đầu hồi. Gỗ chủ yếu là nghiến và sấu. Dừng chân tại bất kỳ gia đình nào hỏi mua gỗ, họ cũng sẵn sàng bán. Nhiều người còn đảm bảo nếu mua gỗ của họ khi chuyển đi sẽ không bị ai “hỏi thăm” vì đều là gỗ thành phẩm, đã được xẻ sẵn thành ván hoặc cột, xà, kèo nhà.
Tới thôn Bản Cao, xã Nam Cao, hỏi thăm nhà anh Tá Quý, chúng tôi được chỉ thẳng về phía ngôi nhà gỗ nằm cạnh một khu chợ lớn ngay trên đỉnh dốc. Tuy nhiên, cả ông Nam và anh Tá Quý đều không có nhà. Bà Đặng Thị Diệt (vợ ông Nam) cho biết con trai bà đang đi lên TP Cao Bằng tìm mua ô tô. Trong ngôi nhà gỗ ba gian rộng khoảng hơn 100m2, hai gian bên đầy ắp gỗ. Những khối gỗ nghiến được xẻ thành ván, cột nhà, sập và khuôn bao cửa xếp dày đặc dưới nền nhà và xung quanh các góc tường. Theo ước tính của chúng tôi, tổng số gỗ đang cất giữ trong nhà bà Diệt có thể lên tới hàng trăm mét khối.
Ngoài ra, phía trước cửa nhà, vợ chồng bà Diệt còn dựng lên một khu chợ lớn có diện tích hàng nghìn mét vuông, chia ra khoảng 30 gian hàng. Tất cả các sạp hàng đều được làm bằng gỗ, phía dưới sạp cũng chất đầy những ván gỗ, thanh gỗ.
Thấy chúng tôi hỏi mãi về giá cả, nguồn gốc gỗ, bà Diệt bỗng cảnh giác: “Số gỗ trên là do gia đình tôi lấy về để làm nhà(?!)”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận